1. Ích mẫu (Leonurus heterophyllus Sw.), còn gọi là ích mẫu thảo, chói đèn, sung uý.
- Đặc điểm thực vật: Cây thảo sống 1-2 năm, cao 0,6-1m. Thân hình vuông, ít phân nhánh, toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn. Lá mọc đối. Lá ở gốc có cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa thô và sâu. Lá ở thân có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thuỳ, trên mỗi thuỳ có răng cưa thưa. Lá trên cùng phần lớn không chia thuỳ, hầu như không có cuống. Hoa mọc vòng ở kẽ lá. Tràng hoa màu hồng hoặc tím hồng, xẻ thành hai môi gần đều nhau. Quả nhỏ, 3 cạnh, vỏ màu xám nâu.
- Phân bố: chủ yếu mọc hoang, thường thấy ở ven sông, ven suối, ven đường. Hiện nay nhiều được trồng ở nhiều địa phương như Hải Dương, Thái Bình, …
- Bộ phận dùng: phần trên mặt đất và quả.
- Thành phần hoá học: chủ yếu là alcaloid: leonurin, stachydrin, ngoài ra còn có flavonoid, rutin.
- Công dụng: cầm máu tử cung, chữa viêm niêm mạc dạ con, kinh nguyệt quá nhiều. Bên cạnh đó, ích mẫu còn dung chữa huyết áp cao, các bệnh về tuần hoàn cơ tim. Quả ích mẫu làm thuốc thông tiểu, chữa phù thũng, thiên đầu thống.
2. Hồng hoa (Carthamus tinctorius L.), còn gọi là cây rum.
- Đặc điểm thực vật: Cây thảo sống 1-2 năm, cao 0,6-1m hay hơn, không có lông, thân trắng có vạch dọc. Lá mọc so le không có cuống, mép có răng cưa nhọn. Cụm hoa gồm những đầu họp lại thành ngù. Hoa màu đỏ cam đẹp, lá bắc có gai. Quả bế có bốn cạnh lổi nhỏ dài 6-7mm, rộng 4-5mm.
- Phân bố: được trồng ở chủ yếu các thung lũng, cao nguyên, nhiều nhất ở Hà Giang.
- Bộ phận dùng: hoa
- Thành phần hoá học: Trong phần hoa có 2 sắc tố chính là vàng và đỏ. Sắc tố đỏ chính là carthain chiếm 0,3-0,6% và không tan trong nước. Sắc tố vàng thì lại tan trong nước. Lúc này isocarrthamin sẽ dần chuyển thành luteolin 7 – glucosid, carthami và 3- rhamnoglucosid của kaempferol. Phần hạt có chứa 20-30% dầu cùng với 12-15% protein. Dầu của hồng hoa rất giàu glycerid của các acid béo không trung hòa và có hàm lượng lên tới 90%.
- Công dụng: chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, bệnh khí hư, viêm dạ con, viêm buồng trứng.
3. Rau ngót (Sauropus androgynus (L) Merr.), còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần.
- Đặc điểm thực vật: Cây nhỏ, nhẵn, có thể cao tới 1,5-2m, có nhiều cành mọc thẳng. Vỏ thân cây màu xanh lục, sau màu nâu nhạt. Lá mọc so le, dài 4-6cm, rộng 15-30mm, cuống rất ngắn 1-2mm có 2 lá kèm nhỏ, phiến lá nguyên hình trứng dài hoặc bầu dục, mép nguyên. Hoa đực mọc ở kẽ lá thành xim đơn ở phía dưới, hoa cái ở trên. Quả nang hình cầu, hạt có vân nhỏ.
- Phân bố: mọc hoang và được trồng khắp nơi ở Việt Nam.
- Bộ phận dùng: lá và rễ
- Thành phần hoá học: lá rau ngót có chứa: protein, carbohydrate, canxi, chất béo, sắt, vitamin A và B, phốt pho, vitamin C: 164 mg.
- Công dụng: chữa sót nhau, chữa tưa lưỡi.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Tất Lợi (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Y Học.
Người viết: Nguyễn Thị Thu
Người duyệt: Hà Hải Anh
» Các tin khác: