Rutin là một chất thuộc nhóm flavonoid, có nhiều công dụng. Rutin có hoạt tính vitamin P, làm bền và làm giảm tính thấm của mao mạch, làm tăng sự bền vững hồng cầu. Rutin được dùng chủ yếu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch, điều trị các trường hợp suy yếu tĩnh mạch, các trường hợp xuất huyết như chảy cam, ho ra máu, phân có máu. Rutin còn được dùng làm thuốc chữa trĩ, chống dị ứng, thấp khớp.
Với những tác dụng, công dụng trên, việc tìm hiểu các nguồn dược liệu tại Việt Nam để chiết rutin là cần thiết.
1. Hoa hoè
Tên khoa học: Sophora japonica L. – Họ Đậu (Fabaceae)
Đặc điểm thực vật: Cây gỗ to cao 5 – 6m. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mỗi lá có từ 7 – 17 lá chét. Hoa mọc thành bông, cánh bướm màu vàng trắng. Quả là một giáp dài hoặc hơi cong. Giữa các hạt quả hơi thắt lại. Mùa hoa: Các tháng 7, 8, 9.
Thành phần hoá học: trong hoa hoè có 6 – 30% rutin. Ngoài rutin, trong nụ hoa hoè còn có các flavonoid khác như quercetin, kaempferol, genistein và các dẫn chất của kaempferol. Trong quả cũng có rutin.
Công dụng và liều dùng: hiện nay nhân dân dùng hoa hoè làm thuốc cầm máu, dùng trong những bệnh ho ra máu, đổ máu cam, tiểu tiện ra huyết, ruột chảy máu. Ngày uống 5 – 20 g dưới dạng thuốc sắc.
Theo y học cổ truyền, hoa hoè có nhiều công năng chủ trị:
Lương huyết chỉ huyết: dùng trong các trường hợp huyết nhiệt gây xuất huyết như chảy máu cam, lỵ, trĩ chảy máu, phụ nữ băng huyết, đại tiểu tiện ra máu.
Thanh nhiệt bình can: dùng trong trường hợp can hoả thượng viêm, đau mắt đỏ, đau đầu.
Bình can hạ áp
Thanh phế, chống viêm: dùng trong bệnh viêm thanh đới, nói không ra tiếng.
Ds. Trần Thị Diễm Thuỳ.
Người duyệt: Ths. Nguyễn Thị Thuỳ Trang
TLTK:
1. "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", Đỗ Tất Lợi, tái bản năm 2016.
2. "Dược liệu học", tập 1, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, năm 2011.
3. "Dược học cổ truyền", Nhà xuất bản Y học, năm 2006.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: