"Các kết quả này sẽ có ảnh hưởng ở nhiều quốc gia chưa thực hiện việc cấy ghép với các cơ quan nội tạng này và sẽ tạo cơ hội cho những bệnh nhân sống chung với HIV trở thành người hiến tặng nội tạng, dù còn sống hay sau khi qua đời" các tác giả của một bài xã luận đi kèm với nghiên cứu đã báo cáo. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine. "Trên hết, chúng ta đã tiến thêm một bước nữa về sự công bằng và bình đẳng cho những người sống chung với HIV".
Trong nghiên cứu quan sát trên 198 người nhận ghép thận nhiễm HIV, một nửa (99 người) nhận thận từ một người hiến tặng đã qua đời nhiễm HIV, và nửa còn lại nhận thận từ người hiến tặng đã qua đời không nhiễm HIV.
Về kết quả chính, bao gồm tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào, mất chức năng thận ghép, sự cố nghiêm trọng, nhiễm HIV đột ngột, thất bại kéo dài trong điều trị HIV, hoặc nhiễm trùng cơ hội, tỷ lệ rủi ro điều chỉnh là 1, đại diện cho không có sự khác biệt đáng kể về kết quả tổng hợp giữa các nhóm dựa trên tình trạng nhiễm HIV của người hiến tặng.
Những phát hiện này đặc biệt quan trọng khi xem xét nguy cơ cao mà người nhiễm HIV phải đối mặt khi chờ đợi thận để ghép, theo tiến sĩ Christine Durand, phó giáo sư y khoa và ung thư học, thành viên của Trung tâm Ung thư Kimmel của Đại học Johns Hopkins tại Baltimore, người đứng đầu nghiên cứu, chia sẻ với Medscape Medical News.
"Tình trạng thiếu hụt nội tạng là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng; mỗi ngày có gần 20 người tử vong trong khi chờ ghép tạng; những người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong khi chờ đợi cao hơn do nguy cơ tử vong trên danh sách chờ cao hơn và tiếp cận ghép tạng thấp hơn."
Việc cấy ghép tạng từ những người hiến tặng nhiễm HIV cho người nhận nhiễm HIV trước đây bị cấm cho đến năm 2013, khi Đạo luật Bình đẳng Chính sách Nội tạng HIV (HOPE) được thông qua, cho phép những ca ghép tạng này trở nên hợp pháp — nhưng chỉ trong nghiên cứu, không phải trong thực hành lâm sàng.
Để điều tra thêm vấn đề này, tiến sĩ Durand và các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu hiện tại, bao gồm các bệnh nhân từ 26 trung tâm tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 9 năm 2021.
Các đặc điểm giữa những người hiến tặng có và không có HIV khá tương đồng, ngoại trừ việc những người hiến tặng có HIV thường là người da đen, có điểm Chỉ số Hồ sơ Người hiến thận (Kidney Donor Profile Index) trung bình thấp hơn và thường có kết quả dương tính với viêm gan B và cytomegalovirus (CMV) hơn so với những người hiến tặng không nhiễm HIV.
Ngoài kết quả chính không thua kém đã được quan sát, các kết quả phụ cũng tương tự bất kể người hiến tạng có nhiễm HIV hay không, bao gồm tỷ lệ sống sót chung sau 1 năm (94% so với 95%) và sau 3 năm (85% so với 87%), tỷ lệ sống sót không mất thận ghép sau 1 năm (93% so với 90%) và sau 3 năm (84% so với 81%), và tỷ lệ thải ghép sau 1 năm (13% so với 21%) và sau 3 năm (21% so với 24%).
Về tính an toàn, không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm nhiễm HIV và nhóm không nhiễm HIV liên quan đến các biến cố bất lợi nghiêm trọng, nhiễm trùng, biến chứng phẫu thuật hoặc mạch máu và ung thư.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV tức thời cao hơn ở những người nhận thận từ người hiến tặng nhiễm HIV (tỷ lệ tỷ suất mắc là 3,14) và có một trường hợp nghi ngờ nhiễm HIV siêu nhiễm trong số 58 người nhận đã có dữ liệu trình tự, nhưng không có trường hợp thất bại điều trị HIV kéo dài.
"Hầu hết các trường hợp nhiễm HIV đột phá là do bệnh nhân gián đoạn điều trị HIV của họ" Durand lưu ý.
"Trong tất cả các trường hợp, nhiễm HIV đột phá đã được giải quyết và không có ảnh hưởng lâm sàng," bà nói thêm.
Hơn nữa, trường hợp siêu nhiễm tiềm ẩn chỉ được phát hiện nhờ các nghiên cứu sâu tại phòng thí nghiệm nghiên cứu và không liên quan đến bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào ở bệnh nhân.
"Theo những gì chúng tôi biết, siêu nhiễm HIV rất hiếm và dường như không có tác động lâm sàng" Durand bổ sung.
"Bác sĩ có thể trấn an bệnh nhân rằng trong các trường hợp nhiễm HIV đột phá, không có tác động lâm sàng nào được báo cáo từ những người tham gia nghiên cứu hoặc các nhà cung cấp dịch vụ y tế"
Dựa trên những phát hiện hiện tại và các nghiên cứu khác, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) gần đây đã đề xuất một quy định nhằm gỡ bỏ yêu cầu về nghiên cứu đối với việc thực hiện ghép thận và gan từ người hiến tặng nhiễm HIV cho người nhận nhiễm HIV.
Dựa trên nghiên cứu trước đây của các tác giả về bệnh nhân tham gia vào các nghiên cứu của Đạo luật HOPE, sự thay đổi này cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Trong một nghiên cứu năm 2023, các tác giả phát hiện rằng thời gian chờ đợi để nhận thận theo Đạo luật HOPE (từ người hiến tặng nhiễm HIV) chỉ là 10,8 tháng so với thời gian chờ đợi lên đến 60,8 tháng cho các ca ghép thận không thuộc Đạo luật HOPE — tỷ lệ ghép thận cao hơn gấp 3,3 lần, theo Durand.
"Việc cho phép các trung tâm ghép tạng thực hiện các ca ghép này như một phần của chăm sóc lâm sàng, ngoài các nghiên cứu của Đạo luật HOPE, sẽ mở rộng tác động của liệu pháp cứu sống này" bà cho biết.
Hiện chỉ có khoảng 30 trung tâm cung cấp các ca ghép theo Đạo luật HOPE, trong khi có hơn 250 trung tâm ghép tạng tại Hoa Kỳ, Durand lưu ý.
"Việc tham gia một cách hạn chế có thể là do cơ cấu hành chính, thời gian và nỗ lực cần thiết để thực hiện nghiên cứu" bà nói. "Việc cho phép ghép tạng từ người hiến nhiễm HIV như một phần của chăm sóc lâm sàng sẽ gỡ bỏ những rào cản này."
Bình luận thêm về nghiên cứu, tác giả bài xã luận, bác sĩ Elmi Muller, MD, PhD, từ Khoa Phẫu thuật, Đại học Stellenbosch, Nam Phi cho rằng một yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả tích cực là các phác đồ thuốc mới đã tiến bộ trong việc ngăn ngừa thải ghép.
"Tỷ lệ thải ghép thấp hơn với các loại thuốc HIV thế hệ mới, do các thuốc này ít tương tác với thuốc ức chế miễn dịch hơn so với các thuốc HIV trước đây," Muller giải thích.
"Nhìn chung, các kết quả này ủng hộ việc mở rộng ghép thận từ người hiến và người nhận nhiễm HIV từ nghiên cứu sang chăm sóc lâm sàng" Muller cho biết.
"An toàn của các cơ quan từ người hiến tặng dương tính với HIV không còn là câu hỏi nữa; những cơ quan này mang lại tỷ lệ sống sót thận ghép rất tốt."
Hơn nữa, "sự xuất hiện của một chủng virus thứ hai không có tác động lâm sàng đáng kể, như đã được chỉ ra trong nghiên cứu hiện tại và các nghiên cứu trước đây."
Người dịch: Nguyễn Sỹ Nguyên.
Người duyệt: Nguyễn Thị Thùy Trang.
Dịch từ trang: https://www.medscape.com/viewarticle/hiv-positive-donors-safe-kidney-transplants-2024a1000izf
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: