Lược dịch từ: https://acsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.3322/caac.21597
Trên toàn cầu, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai, với số lượng gấp nhiều lần so với HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét cộng lại. Hạn chế trong việc được chẩn đoán kịp thời, điều trị hiệu quả, giá cả phải chăng và chăm sóc chất lượng cao chỉ là một số yếu tố dẫn đến sự chênh lệch về tỷ lệ sống sót sau ung thư giữa các quốc gia và trong các quốc gia.
Trong nghiên cứu này, các tác giả xem xét những yếu tố khác nhau ngăn cản việc tiếp cận với các loại thuốc điều trị ung thư (đặc biệt là tiếp cận với các loại thuốc điều trị ung thư thiết yếu). Ngay cả khi một loại thuốc điều trị ung thư thiết yếu được đưa vào danh sách thuốc quốc gia, chi phí có thể là yếu tố ngăn cản việc bệnh nhân được sử dụng thuốc, nó có thể được kê đơn hoặc sử dụng không phù hợp, cơ sở hạ tầng yếu kém có thể khiến chất lượng không được đảm bảo.
Các chiến lược tiềm năng để giải quyết các vấn đề tiếp cận được thảo luận, bao gồm bảo hiểm y tế toàn dân cho các loại thuốc điều trị ung thư thiết yếu, các phương pháp công bằng hơn để định giá thuốc điều trị ung thư, giảm chi phí nghiên cứu phát triển, tối ưu hóa quy định và nâng cao độ tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tối ưu hóa phác đồ điều trị ung thư không chỉ có thể giảm chi phí mà còn giảm các tác dụng phụ và cải thiện khả năng tiếp cận. Ngày càng có nhiều dấu ấn sinh học tốt hơn được yêu cầu nhằm vào những bệnh nhân có nhiều khả năng được hưởng lợi từ các loại thuốc điều trị ung thư. Việc sử dụng tối ưu các loại thuốc điều trị ung thư phụ thuộc vào việc cung cấp hiệu quả một số dịch vụ liên quan đến ung thư (bao gồm phòng thí nghiệm, hình ảnh, phẫu thuật và xạ trị). Đầu tư là cần thiết trong tất cả các khía cạnh của chăm sóc bệnh ung thư, từ các dịch vụ hỗ trợ này đến công nghệ, và đào tạo nhân viên chăm sóc sức khỏe và các nhân viên khác.
Gánh nặng ung thư toàn cầu
Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong điều trị, ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên toàn cầu (sau bệnh tim mạch) vào năm 2017. Tử vong do ung thư (17%) vượt xa các bệnh truyền nhiễm như vi rút suy giảm miễn dịch ở người /hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (1,7%), bệnh lao (2,1%), hoặc bệnh sốt rét (1,1%). Từ năm 2007 đến năm 2017, số ca tử vong do ung thư đã tăng 25,4% (từ 7,62 lên 9,56 triệu người).
Năm 2018, GLOBOCAN ước tính có 18,1 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và 9,6 triệu người chết vì ung thư trên toàn thế giới. Khoảng 4% trong số các ca ung thư mới này xảy ra ở các nước chưa phát triển, 16% xảy ra ở các nước có chỉ số phát triển trung bình, và phần còn lại xảy ra ở các nước có chỉ số phát triển cao hoặc rất cao. Khoảng 5% số ca tử vong do ung thư xảy ra ở các nước có chỉ số phát triển thấp, 20% xảy ra ở các nước có chỉ số phát triển trung bình và phần còn lại xảy ra ở các nước có chỉ số phát triển cao hoặc rất cao. Gần 50% trường hợp ung thư và 60% trường hợp tử vong do ung thư xảy ra ở Châu Á (nơi sinh sống của 60% dân số thế giới), nhưng chỉ 6,5% người dân ở khu vực này được phát hiện và theo dõi điều trị.
DS. Nguyễn Thị Mai Diệu
Người duyệt bài: TS. Hà Hải Anh
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: