Cơ chế tác động của thuốc gây tê (local anaesthetic)
Thuốc gây tê phong bế sự khởi phát và dẫn truyền điện thế hoạt động bằng cách phong bế kênh Na+ phụ thuộc điện thế. Ở nồng độ thấp, thuốc làm giảm tốc độ tăng của điện thế hoạt động, tăng thời gian không đáp ứng (refractory period) và làm giảm tốc độ phát sinh (firing rate) điện thế hoạt động. Ở nồng độ cao hơn, thuốc ngăn ngừa hẳn sự phát sinh điện thế hoạt động.
Hoạt động của thuốc gây tê phụ thuộc rất nhiều vào pH môi trường: hiệu lực tác dụng tăng ở pH kiềm và giảm ở pH acid. Thuốc cần phải ở dạng trung hòa để vượt qua màng tế bào, đến được đầu tận cùng bên trong của kênh Na+ - là nơi thuốc tác động lên kênh. Ở pH acid, thuốc bị ion hóa nên khả năng vượt qua màng tế bào thấp. Sự phụ thuộc pH này quan trọng trong lâm sàng, vì dịch tế bào ở một số mô bị viêm thường có tính acid nên sẽ làm bất hoạt tác dụng của thuốc.
Nhìn chung, thuốc gây tê phong bế sự dẫn truyền của các sợi thần kinh đường kính nhỏ dễ dàng hơn các sợi có đường kính lớn. Các tín hiệu thúc đẩy đau được dẫn truyền bởi các sợi Aδ và C (đường kính nhỏ), do đó sự cảm nhận đau sẽ dễ bị phong bế hơn các quá trình cảm nhận khác. Các sợi thần kinh vận động có đường kính lớn nên tương đối trơ với thuốc gây tê. Khác biệt về sự nhạy cảm với thuốc gây tê của các sợi thần kinh có thể dễ dàng nhận biết và định lượng bằng các thử nghiệm nhưng lại không thật sự quan trọng về mặt lâm sàng: không thể phong bế sự cảm nhận đau mà không ảnh hưởng đến các quá trình cảm nhận khác.
Nguồn: Rang and Dale’s Pharmacology 8th edition
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: