- Tên khoa học: Artemisia annua L.
- Họ khoa học: Họ Cúc (Asteraceae).
- Đặc điểm thực vật: Thanh hao hoa vàng là loài cây sống lâu năm. Thường mọc hoang thành từng đám, ở vùng đồi núi ven suối, ven sông. Cây cao từ 1,5-2m. Lá xẻ lông chim 2 lần, thành phiến hẹp, phủ lông mềm. Có mùi thơm. Cụm hoa hình cầu hợp thành một chùy kép. Lá bắc tổng bao, hình trứng hoặc hình bầu dục. Hoa màu vàng nhạt, mỗi cụm hoa gồm 6 hoa, giữa là hoa lưỡng tính, xung quanh là hoa cái. Quả bế hình trứng, dài 1mm. Mặt vỏ có tuyến chứa tinh dầu.
- Phân bố: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Kạn, Bắc Giang; cây trồng ở Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, Lâm Đồng.
- Bộ phận dùng: Lá. Lá thu hoạch vào giai đoạn bắt đầu có nụ là hàm lượng Artemisinin cao nhất (1,6% trong lá khô).
- Mùa hoa quả: Hoa tháng 5-7, quả tháng 10 - 11.
- Thành phần hoá học chính: Chứa Artemisinin và tinh dầu (0,3%).
- Quy trình chiết xuất bằng xăng công nghiệp:
Lá phơi khô, xay thô và nạp vào nồi chiết
Dung môi là xăng công nghiệp với tỷ lệ dược liệu / dung môi là 1/5 chiết ở 40 - 50°C, thời gian chiết 3h.
Chiết 3 lần, dịch chiết lần 3 sử dụng làm dung môi chiết lần 1 mẻ khác.
Gộp dịch chiết, cô thu hồi dung môi rồi rút ra để kết tinh ít nhất 24h, artemisinin sẽ kết tinh lẫn với sáp.
Loại phần dung dịch bằng cách gạn, loại sáp bằng nhiệt độ và xăng nóng thu được artemisinin thô không lẫn với sáp.
Artemisinin thô đã loại hết sáp hòa tan trong cồn sôi, thêm than hoạt và đun sôi 20 phút với ống sinh hàn hồi lưu, lọc nóng loại than hoạt, để kết tinh ở nhiệt độ thường tối thiểu 24h.
Vẩy ly tâm rửa tinh thể bằng cồn và sấy ở 80°C.
- Công dụng: chữa kết hạch, sốt, sốt rét, mồ hôi trộm, ăn uống kém, lở ghẻ ngứa (cả cây); trẻ em cảm gió, phát sốt, kinh giật (lá). Là nguồn chiết xuất Artemisinin, sản xuất thuốc chống sốt rét
- Một số chế phẩm:
Artemisinin viên uống 250mg
Artesunat thuốc bột tiêm 60mg
Artemether: tiêm bắp dịch dầu 0,24 – 0,64g
TLTK:
1. Dược Liệu Học, tập 2, Nhà xuất bản Y Học Hà Nội, 2007
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản y học 2015.
3. Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kĩ thuật, 2016.
Tác giả: Ds. Trần Thị Diễm Thuỳ.
Người duyệt: Ths. Nguyễn Thị Thuỳ Trang.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: