Các bệnh lây truyền qua muỗi và ốc sên gây ra gánh nặng ở các nước kém phát triển, đặc biệt là những nước có mức thu nhập thấp. Kiểm soát vectơ và vật chủ trung gian dựa trên các loại tinh dầu sẵn có, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người, có thể là một giải pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.
Ổi là loại cây ăn quả được trồng đại trà ở nhiều nước vùng nhiệt đới, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các bệnh nhiệt đới do muỗi và ốc sên truyền bệnh. Các nghiên cứu trước đây đã báo cáo rằng tinh dầu chiết xuất từ các giống ổi có năng suất cao, có các thành phần hóa học khác nhau và có độc tính đối với các loài côn trùng khác nhau. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện với mục đích nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính diệt ấu trùng và nhuyễn thể của 6 giống ổi được trồng đại trà ở Việt Nam. Tinh dầu được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước sử dụng thiết bị loại Clevenger trong 6 giờ. Các thành phần của tinh dầu được xác định bằng phương pháp phân tích sắc ký khí-khối phổ (GC-MS). Các phương pháp thử nghiệm hoạt tính diệt ấu trùng và nhuyễn thể được thực hiện theo hướng dẫn của WHO.
Kết quả cho thấy các mẫu tinh dầu từ Việt Nam rơi vào hai nhóm dựa trên thành phần, một nhóm là (E)-β-caryophyllene và nhóm còn lại là limonene/(E)-β-caryophyllene. Tinh dầu PG03 và PG05 hứa hẹn là loại thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường khi dùng để kiểm soát ấu trùng muỗi Aedes với giá trị LC50-aegypti trong 24 giờ là 0,96 và 0,40 µg/mL trong khi 24 giờ LC50-albopictus là 0,50 và 0,42 µg/mL. Hai loại tinh dầu này có độc tính chọn lọc chống lại ấu trùng muỗi Aedes và an toàn đối với sinh vật không phải mục tiêu Anisops bouvieri. Các loại tinh dầu khác có thể được coi là chất diệt động vật thân mềm chống lại Physa acuta (48 giờ LC50 từ 4,10 đến 5,00 µg/mL) và Indoplanorbis exustus (48 giờ LC50 từ 3,85 đến 7,71 µg/mL) và ít độc hơn đối với A. bouvieri.
Nguồn: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/37571040/
Người dịch: Nguyễn Thị Thu
Người duyệt: Hà Hải Anh
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: