Từ năm 1960 – 1968, nhiều đợt bùng phát đậu mùa khỉ trên những con khỉ được nuôi nhốt tại những vùng thuộc địa của Hoa Kỳ và Hà Lan3. Vào thời điểm này, vẫn chưa có ca bệnh đậu mùa khỉ trên người nào được báo cáo. Cho tới năm 1970, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên người được báo cáo tại Châu Phi. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên là một bé trai 9 tháng tuổi, với biểu hiện sốt, 2 ngày tiếp theo thì xuất hiện nhiều nốt phát ban ly tâm. Bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Basakusu, Cộng Hòa Dân chủ Congo. Bệnh nhân bị viêm tai, viêm xương chũm và bị đau hạch lympho ở vùng cổ. Virus đậu mùa khỉ được cô lập từ sang thương trên da của bệnh nhân. Bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên trước khi xuất viện thì bệnh nhân bị sởi, sởi là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong. Từ năm 1970 – 1971, 6 ca bệnh đậu mùa khỉ khác được báo cáo ở Tây Phi. Đa số bệnh nhân đều là trẻ nhỏ và chưa được tiêm vaccine thủy đậu 4, 5.
ĐẶC ĐIỂM CỦA VIRUS ĐẬU MÙA KHỈ
Virus đậu mùa khỉ thuộc họ Poxviridae, phân họ Chordopoxvirinae và chi orthopoxvirus. Chi orthopxvirus bao gồm nhiều poxvirus khác, bao gồm thủy đậu, vaccinia, cowpox và camelpox virus. Những virus DNA sợi kép này có nhiều điểm tương đồng về mặt di truyền và kháng thể, điều này giải thích cho khả năng miễn dịch chéo (cross-immunity). Hình 1 mô tả đặc điểm cấu trúc của virus đậu mùa khỉ. Virus đậu mùa khỉ có 2 clade: Trung Phi và Tây Phi. Genome của 2 clade này chỉ khác biệt chưa tới 1%. Tiêm vaccine phòng ngừa đậu mùa có thể đem lại ít nhiều khả năng bảo vệ con người khỏi đậu mùa khỉ. Kể từ năm 1980 khi tiêm phòng đậu mùa được phổ biến rộng rãi, ca nhiễm đậu mùa khỉ đã giảm xuống1.
Ổ lây virus đậu mùa khỉ cho người
Đậu mùa khỉ là bệnh trên thú, tuy nhiên những loài động vật nào có thể chứa virus đậu mùa khỉ và lây nhiễm cho con người vẫn chưa được xác định. Nhiều loài gặm nhấm ở rừng nhiệt đới tại Trung Phi và Tây Phi, bao gồm sóc và chuột túi Gambia hiện đang được xem xét là những con vật có khả năng nhất. Hình 2 biểu hiện con đường lây nhiễm từ ổ virus trên động vật qua người1
Đặc điểm lâm sàng của những ca bệnh tại châu phi
Virus đậu mùa khỉ lây nhiễm trên cả người lớn và trẻ em. Đậu mùa khỉ biểu hiện qua 3 pha kinh điển: ủ bệnh – giai đoạn triệu chứng mơ hồ - giai đoạn phát ban.
Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài trong 13 ngày (giao động trong 3 – 34 ngày).
Giai đoạn triệu chứng mơ hồ thường kéo dài từ 1 – 4 ngày. Đặc trưng bằng các biểu hiện như thân nhiệt tăng cao, đau đầu, mệt mỏi và thường bị sưng hạch lympho (đặc biệt là hạch lympho ở vùng cổ và vùng hàm). Biểu hiện sưng hạch lympho có thể là đặc điểm giúp chẩn đoán phân biệt giữa đậu mùa khỉ và thủy đậu.
Giai đoạn phát ban thường kéo dài trong 14 – 28 ngày. Trong giai đoạn này, sang thương trên da xuất hiện theo kiểu ly tâm và qua nhiều giai đoạn: dát (macule) – sẩn (papule) – mụn nước (vesicle) – và cuối cùng là mụn mủ (pustule).
Bệnh nhân có thể trải qua một vài cho đến hàng ngàn sang thương khu trú ở mặt, thân, cánh tay và cẳng chân. Hình 3 thể hiện hiện hình ảnh lâm sàng của đậu mùa khỉ. Sang thương thường xuất hiện ở lòng bàn tay và bàn chân, đây cũng là đặc điểm hỗ trợ chẩn đoán phân biệt giữa đậu mùa khỉ và thủy đậu. Trường hợp hiếm gặp hơn là những sang thương xuất hiện trên vùng niệu – sinh dục, loét miệng và tổn thương kết mạc. Đối với đậu mùa khỉ, tất cả sang thương thường đều phát triển trong cùng giai đoạn. Đây cũng là một đặc điểm hỗ trợ chẩn đoán phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lý khác có biểu hiện trên da (chẳng hạn như thủy đậu). Bệnh nhân đậu mùa khỉ thường bị đau cơ và ngứa.
Mức độ nghiêm trọng của đậu mùa khỉ tỷ lệ với mật độ của sang thương trên da. Đậu mùa khỉ thường nghiêm trọng ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Đậu mùa khỉ có thể để lại nhiều hệ quả, chẳng hạn như sẹo rỗ trên mặt. Đây là di chứng thường gặp nhất. Loét giác mạc cũng có thể xảy ra, dẫn đến sẹo, kết cục làm suy giảm thị giác. Một biến chứng thường gặp khác của đậu mùa khỉ là nhiễm khuẩn da mô mềm. Viêm cuống phổi và suy hô hấp cũng có thể xảy ra trong giai đoạn muộn của bệnh. Vào những năm 1980, các biến chứng của đậu mùa khỉ thường ít gặp hơn ở bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được tiêm vaccine đậu mùa1.
Bảng 1 thể hiện sự so sánh về đặc điểm lâm sàng giữa những ca bệnh đậu mùa khỉ kinh điển và những ca bệnh đậu mùa khỉ gần đây với những đặc điểm dịch tễ mới (xảy ra ngoài Châu Phi).
Tiêm vaccine và điều trị
Thuốc điều trị
Biện pháp điều trị hiện nay được lưu hành ở Hoa Kỳ và Châu Âu là tecovirimat, brincidofovir cũng được lưu hành ở Hoa Kỳ. Tecovirimat được chấp thuận cho chỉ định điều trị đậu mùa ở Hoa kỳ, tác dụng của tecovirimat trên đậu mùa khỉ được kết luận dựa trên điều tra ứng dụng thuốc mới (investigational new drug application), do vậy tecovirimat vẫn chưa được chấp thuận hoàn toàn cho chỉ định đậu mùa khỉ. Hiệu lực của tecovirimat được chứng minh qua thử nghiệm tiền lâm sàng, bao gồm 4 thử nghiệm trên linh trưởng. Kết quả cho thấy tecovirimat có thể phòng tránh 95% nguy cơ tử vong so với giả dược. Thử nghiệm lâm sàng pha 1 và pha 2 tiến hành đánh giá tính an toàn của tecovirimat trên người. Kết quả một nghiên cứu quan sát gần đây đã cho thấy chỉ một phần rất nhỏ bệnh nhân đậu mùa khỉ cho thấy tecovirimat có thể giảm thời gian mắc bệnh1, 6.
Hiệu lực cải thiện tỷ lệ sống còn sau khi nhiễm đậu mùa khỉ của brincidofovir đã được chứng minh ở chuột và thỏ. Tính an toàn của brincidofovir được đánh giá ở người qua các thử nghiệm lâm sàng cho bệnh lý gây ra bởi cytomegalovirus. Brincidofovir có độc tính trên đường tiêu hóa và gan. Tính an toàn của brincidofovir thua kém tecovirimat. Cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đánh giá hiệu lực của các thuốc điều trị đậu mùa khỉ.
Vaccinia immune globulin được Hoa Kỳ chấp thuận cho chỉ định điều trị biến chứng do tiêm vaccine đậu mùa. Nhiều phòng thí nghiệm vẫn đang nghiên cứu và phát triển các hợp chất hóa học và kháng thể đơn dòng để điều trị đậu mùa khỉ1.
Vaccine phòng ngừa đậu mùa khỉ
Vaccine hiện có để phòng ngừa đậu mùa khỉ bao gồm ACAM2000 và MVA-BN. ACAM2000 được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng trước hoặc sau khi phơi nhiễm với virus đậu mùa khỉ. ACAM2000 là lựa chọn có hiệu quả tuy nhiên ACAM2000 lại có liên quan đến nguy cơ tim mạch. MVA-BN được chấp thuận cho chỉ định phòng ngừa đậu mùa ở Hoa Kỳ và Châu Âu. MVA-BN cũng được FDA cấp phép cho việc phòng ngừa đậu mùa khỉ vào năm 2019. LC16m8 là vaccine được cấp phép cho chỉ định phòng ngừa đậu mùa, tuy nhiên vẫn chưa được cấp phép cho chỉ định phòng ngừa đậu mùa khỉ1.
Kết luận
Việc giảm dần tính miễn dịch của vaccine đậu mùa có thể là một phần lý do giải thích cho việc gia tăng tỷ lệ mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, những đợt bùng dịch gần đây lại một lần nữa cho thấy rằng bệnh dịch là một hiện tượng dai dẳng, không có giới hạn, khó phán đoán về bản chất và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. Đậu mùa khỉ cũng là một ví dụ cho thấy một bệnh lý đặc thù ở một vùng, lãnh thổ nhất định có thể gây ra nhiều tác động đến các vùng, lãnh thổ khác trên thế giới.
Để đối phó hiệu quả với đậu mùa khỉ, chúng ta cần ưu tiên nâng cao cảnh giác với bệnh dịch, tăng cường giáo dục cộng đồng, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao để phòng ngừa nhiễm bệnh và giảm sự lây lan của virus. Việc nghiên cứu và phát triển các xét nghiệm phát hiện nhanh với độ nhạy cao để cải thiện chất lượng chẩn đoán và phòng ngừa cũng là vấn đề cần được ưu tiên. Cuối cùng là đánh giá hiệu quả của các biện pháp điều trị và vaccine sẵn có, cải thiện chiến lược tiêm chủng và nỗ lực để nâng cao tỷ lệ chủng ngừa và điều trị cho nhóm người bị nhiễm và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng.
Người duyệt: Nguyễn Thị Thùy Trang
Người dịch: Phạm Thị Quỳnh Yên
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: