Có rất nhiều nghiên cứu gần đây để tìm ra kháng sinh colistin có khả năng diệt khuẩn phụ thuộc vào PK/PD biểu thị như thế nào. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng colistin là kháng sinh diệt khuẩn phụ thuộc fAUC/MIC.
Nghiên cứu in vitro đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa fAUC/MIC được Bergen và cộng sự tiến hành trên ba chủng của vi khuẩn pseudomonas aeruginosa (bao gồm chủng MDR nhưng nhạy cảm colistin) dựa trên các chỉ số f (biểu thị cho colistin không liên kết protein huyết tương) [1]. Một nghiên cứu khác được tiến hành để tìm hiểu Cmax/MIC có phải là thông số PK/PD tốt nhất đối với colistin được Ketthireddy và cộng sự tiến hành với liều colistin một lần/ngày cho thấy hiệu quả tốt trên P. aeruginosa, tuy nhiên kết quả không được rõ ràng do thiếu dữ liệu PK của colistin [2]. Nghiên cứu invitro khác của Jian Li và cộng sự đề tìm hiểu về thông số biểu thị PK/PD tối ưu nhất của colistin và colistin methanesulfonate (CM) cùng hiệu lực PAE có thực sự tồn tại ở colistin. Một lần nữa khẳng định ở cả colistin và CM đều có hoạt tính tối ưu phụ thuộc vào nồng độ. Hình 1 biểu thị khả năng diệt khuẩn P. aeruginosa (18982) của kháng sinh colistin phụ thuộc vào nồng độ [3]. Trong nghiên cứu này cũng cho thấy cả colistin và CM đều có tác dụng hậu kháng sinh, tuy nhiên nồng độ để có hậu kháng sinh này chỉ ở nồng độ cao nhất. Sau đó dựa trên mô hình xác định PAE của nghiên cứu của Jian Li, năm 2007 Owen và cộng sự đã cho thấy rằng thực ra PAE của colistin chỉ xuất hiện ở nồng độ từ 16xMIC, tuy nhiên cũng cho thấy ngay cả ở nồng độ 64xMIC thì vi khuẩn cũng có khả năng mọc lại sau 24 giờ (thử nghiệm được tiến hành trên vi khuẩn A. baumannii) [4], [5].
Hình 1. Khả năng diệt khuẩn của colistin (bên trái) và CME (bên phải) đều phụ thuộc vào nồng độ. Khi nồng độ càng tăng dần theo tỷ lệ tương ứng với MIC, cho thấy nồng độ vi khuẩn Log10 CFU trong ống nghiệm giảm rõ rệt. Khoảng giảm thể hiện ngay những giờ đầu tiên.
Hình 2. Hiệu lục PAE trên in vitro của colistin trên các chủng phân lập của A. Theo đó, hoạt tính PAE chỉ xuất hiện ở nồng độ lớn, thậm chí một số chủng còn rơi vào PAE âm (-0.8 đến -8.15 giờ), mẫu ATCC 19606 có PAE và khoảng 1-3.5 giờ với nồng độ ≥16xMIC.
Như vậy thông qua các nghiên cứu in vitro có thể nhận định kháng sinh colistin là kháng sinh phụ thuộc vào nồng độ, thông số dược động phụ thuộc là fAUC/MIC. Tác dụng PAE của colistin chỉ xuất hiện ở nồng độ cao ≥16xMIC, thậm chí với cả 64xMIC sau 24 giờ vi khuẩn vẫn có khả năng mọc lại dẫn đến đề kháng có thể xảy ra.
Chú thích:
- PK/PD (pharmacokinetic/pharmacodynamic): dược động học/dược lực học
- PAE (post-antibiotic effect): hậu kháng sinh
1. Bergen P. J., Bulitta J. B., et al. (2010), "Pharmacokinetic/pharmacodynamic investigation of colistin against Pseudomonas aeruginosa using an in vitro model", Antimicrob Agents Chemother, 54(9), pp. 3783-9
2. Li J., Rayner C. R., et al. (2006), "Heteroresistance to colistin in multidrug-resistant Acinetobacter baumannii", Antimicrob Agents Chemother, 50(9), pp. 2946-50
3. Li Jian, Turnidge John, et al. (2001), "In Vitro Pharmacodynamic Properties of Colistin and Colistin Methanesulfonate against Pseudomonas aeruginosaIsolates from Patients with Cystic Fibrosis", 45(3), pp. 781-785
4. Owen Roxanne J., Li Jian, et al. (2007), "In vitro pharmacodynamics of colistin against Acinetobacter baumannii clinical isolates", Journal of Antimicrobial Chemotherapy, 59(3), pp. 473-477
5. Michalopoulos Argyris S., Falagas Matthew E. (2011), "Colistin: recent data on pharmacodynamics properties and clinical efficacy in critically ill patients", Annals of intensive care, 1(1), pp. 30-30
Người viết bài: Th.s Hồ Thị Ngọc
Người duyệt bài: Th.s Nguyễn Thị Thùy Trang
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: