Sử dụng trong y học cổ truyền và dược học dân tộc
Nhiều sách y học cổ truyền đã mô tả các công dụng chữa bệnh khác nhau của G. littoralis như bổ âm, thanh nhiệt phổi, cải thiện tình trạng dạ dày, hạ sốt, chữa viêm phế quản mạn tính, lao, mệt mỏi, khô họng, sưng ngứa da. Dược liệu này được sử dụng rộng rãi trong y học cố truyền Trung Quốc, chủ yếu để bổ âm, làm ẩm phổi, đẩy đờm và chống ho.
Y học dân tộc Mông Cổ sử dụng G. littoralis trong điều trị ho do nhiệt phổi, thiếu nước, và sốt. Ở Nhật Bản, chúng được sử dụng để giảm đau, hạ sốt và đẩy đờm trong khi ở Hàn Quốc thì được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu.
Hóa thực vật
Với những công dụng đáng chú ý trong y học cổ truyền, nhiều nghiên cứu hóa thực vật đã được thực hiện trên loài G. littoralis. Thông qua các phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), sắc ký khối phổ (GC-MS), cộng hưởng từ hạt nhân, sắc ký cột, thành phần phức tạp của G. littoalis đã được làm rõ. Qua đó, thành phần hóa học chính của loài này bao gồm phenylpropanoid, coumarin, lignan, flavonoid, các acid hữu cơ, terpenoid, polyacetylen và steroid. Ngoài ra, còn tìm thấy các dầu dễ bay hơi, polysaccharid và polyol.
Tác dụng dược lý
Nhiều nghiên cứu về hoạt tính đã được thực hiện trên các dịch chiết khác nhau của G. littoralis.
Tác dụng điều hòa miễn dịch
Dịch chiết CO2 siêu tới hạn của G. littoralis thể hiện tác dụng đáng kể trong hồi phục hệ thống miễn dịch ngoại vi ở chuột bị ức chế miễn dịch.
Polysaccharid của G. littoralis làm tăng cường đáng kể hoạt động của tế bào NK (Natural killer cell) và chức năng biến đổi tế bào lympho T; làm tăng nồng độ kháng thể IgM và IgG huyết thanh; tăng cường miễn dịch đặc hiệu và không đặc hiệu.
Tác dụng chống khối u
Dịch chiết rễ G. littoralis được chứng mình có hoạt tính ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư vú MCF-7 ngay ở nồng độ thấp, cụ thể dịch chiết này gây ức chế tăng sinh ở phase G0/G1 của chu kỳ tế bào. Đồng thời, trong những nghiên cứu khác, dịch chiết loài này còn thể hiện hoạt tính ức chế đối với dòng tế bào ung thư ruột kết (HT-29) và ung thư dạ dày (SGC-7901, HEP-G2).
Tác dụng chống viêm
Phân đoạn methylen clorid của G. littoralis ức chế giải phóng oxit nitric (NO), prostaglandin E2 (PGE2), yếu tố hoại tử khối u (TNF-α), interleukin-1β (IL-1β); ức chế đáng kể biểu hiện mRNA, protein nitric oxide synthase và cyclooxygenase-2 (COX-2) trong các tế bào đại thực bào RAW 264.7.
Tác dụng bảo vệ gan
Dịch chiết ethanol của G. littoralis làm giảm đáng kể tế bào gan bị viêm, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ và gia tăng số lượng tế bào gan khỏe mạnh.
Ngoài ra, dịch chiết G. littoralis còn thể hiện hoạt tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, bảo vệ tế bào thần kinh.
Độc tính
Các nghiên cứu cho thấy liều cao nhất G. littoralis (gấp 13,3 lần so với liều sử dụng) không gây chết ở chuột thí nghiệm, chứng tỏ dược liệu này hầu như không thể hiện độc tính khi sử dụng đơn độc. Tuy nhiên, việc phối hợp G. littoralis với 1 dược liệu khác là rễ Veratrum nigrum L có thể gây độc tính cao hơn khi sử dụng đơn độc, do đó, phối hợp này cần tránh trên lâm sàng.
Nguồn: Yang, Min, et al. "Ethnopharmacology, Phytochemistry, and Pharmacology of the Genus Glehnia: A Systematic Review." Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine 2019 (2019).
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: