Trong xu thế hội nhập toàn cầu và làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn vốn, con người, trí tuệ cùng với công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố quan trọng nhất để giúp các quốc gia, khu vực phát triển bứt phá. Trong hệ thống đổi mới sáng tạo ở bất cứ quốc gia nào, trường đại học, chính phủ và giới doanh nghiệp là ba trụ cột tạo ra xã hội tri thức. Khi ba thành tố quan trọng này gắn kết tương liên với nhau, sẽ tạo điều kiện cho việc tạo ra tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cho xã hội. Nhằm đáp ứng yêu cầu trọng tâm của thời đại, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên trở thành một mảng quan trọng trong nội dung đào tạo của các trường đại học trên thế giới. Bài nghiên cứu này giới thiệu về chính sách thúc đẩy khởi nghiệp của một số trường đại học tại khu vực trên thế giới như Thái Lan, Malaysia, Phần Lan, Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Đức…. từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết và khuyến nghị giải pháp phát triển phongrào khởi nghiệp sinh viên tại các trường đại học khu vực Tây Nguyên.
Khởi nghiệp (Start-up) là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (Start-up company). Nó là một tổ chức được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất.
Theo Investopedia, khởi nghiệp là công ty đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình hoạt động. Những công ty đang ở trong giai đoạn này thường được cấp vốn bởi chính những người sáng lập viên để phát triển sản phẩm và dịch vụ mà họ tin rằng có nguồn cung. Do nguồn thu hạn hẹp và chi phí cao, hầu hết các start-up với quy mô nhỏ thường không ổn định trong dài hạn nếu không có nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư.
Như vậy có thể hiểu rằng khởi nghiệp là hành trình nỗ lực và phấn đấu để triển khai một ý tưởng có khả năng tạo ra “giá trị mới” của riêng cá nhân, muốn tự mình làm và quản lý nhằm kiếm thêm thu nhập. Cá nhân đó cung cấp và phát triển một sản phẩm hay dịch vụ hoặc mua bán lại một sản phẩm hay cửa hàng đang hoạt động hoặc hoạt động sinh lợi nào đó.
Khởi nghiệp cũng có nghĩa là bạn tạo ra giá trị có lợi cho cá nhân, cho xã hội hoặc nhóm khởi nghiệp, cho các cổ đông của công ty, cho người lao động, cho cộng đồng và nhà nước. Khởi nghiệp bằng việc thành lập doanh nghiệp sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và dưới một góc độ nào đó sẽ tham gia vào việc phát triển kinh tế và xã hội.
Cần phân biệt giữa khởi nghiệp và lập nghiệp (Entrepreneur). Một bên là Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là Lập nghiệp (Entrepreneur). Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến Start-up phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới.
Nhiều start-up bắt đầu từ chính nguồn tài chính của người sáng lập, hoặc đóng góp từ gia đình và bạn bè. Một số trường hợp thì gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding). Tuy nhiên, phần lớn các start-up đều phải gọn vốn từ các Nhà đầu tư thiên thần (angel investors) và Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital). Công nghệ thường là đặc tính tiêu biểu của sản phẩm từ một start-up. Dù vậy, ngay cả khi sản phẩm không dựa nhiều vào công nghệ, thì start-up cũng cần áp dụng công nghệ để đạt được mục tiêu kinh doanh cũng như tham vọng tăng trưởng.
Hệ sinh thái khởi nghiệp (entrepreneurial ecosystem) là một thuật ngữ chỉ một cộng đồng (community) bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng nhanh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp là cách thức một quốc gia hay một thành phố thiết lập để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại địa phương. Trong khi đó, OECD định nghĩa hệ sinh thái khởi nghiệp như là “tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại), tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng,…) và các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công,…) và tiến trình khởi nghiệp (tỉ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỉ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp,…) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương”
Dựa trên những định nghĩa trên, dễ nhận thấy hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ bao gồm các yếu tố khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, giáo dục,…của từng địa phương. Tuy nhiên, về cơ bản, ta có thể khái quát các yếu tố cấu thành một hệ sinh thái khởi nghiệp theo định nghĩa của World Economic Forum (2013) như sau:
- Thị trường
- Nguồn nhân lực
- Nguồn vốn và tài chính
- Hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (mentors, advisors,…)
- Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng
- Giáo dục và Đào tạo
- Các trường đại học, học viện.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: