Muỗi là vectơ chính gây nhiều bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da, giun chỉ và viêm não Nhật Bản gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Việc kiểm soát muỗi đang gặp nhiều thách thức do tình trạng kháng thuốc trừ sâu ngày càng tăng và những lo ngại về ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, thực vật được sử dụng trong y học cổ truyền châu Á có thể là nguồn thay thế cho các loại thuốc diệt muỗi mới và hiệu quả hơn.
Nghiên cứu này đã đánh giá hoạt tính diệt ấu trùng Anopheles stephensi (truyền bệnh sốt rét), Aedes aegypti (truyền bệnh sốt xuất huyết), Culex quinquefasciatus (truyền bệnh giun chỉ) của tinh dầu lá na rừng (Kadsura Heteroclita) và các thành phần hóa học chính của nó (δ-Cadinene, Calarene và δ-4-Carene). Thành phần hóa học của tinh dầu được phân tích bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ (GC-MS) cho thấy tinh dầu lá na rừng chứa 33 hợp chất. Thành phần hóa học chính là δ-Cadinene (18,3%), Calarene (14,8%) và δ-4-Carene (12,5%). Tinh dầu có tác dụng gây độc đáng kể đối với ấu trùng giai đoạn ba của An. stephensi, Ae. aegypti và Cx. quinquefasciatus với các giá trị LC50 lần lượt là 102.86, 111.79 và 121.97 µg/mL. Ba thành phần chính được chiết xuất từ tinh dầu lá na rừng đã được thử nghiệm riêng lẻ về độc tính cấp tính đối với ấu trùng của ba vectơ muỗi. δ-Cadinene, Calarene và δ-4-Carene cho thấy hiệu quả nhất đối với An. stephensi (LC50 = 8.23, 12.34 và 16.37 µg/mL), tiếp theo là Ae. aegypti (LC50 = 9.03, 13.33 và 17.91 µg/mL), và Cx. quinquefasciatus (LC50; = 9.86, 14.49 và 19.50 µg/mL).
Nhìn chung, nghiên cứu này bổ sung kiến thức để phát triển các loại thuốc diệt côn trùng tự nhiên mới hơn và an toàn hơn chống lại bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và giun chỉ.
Nguồn: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27151483/
Người dịch: Nguyễn Thị Thu
Người duyệt: Hà Hải Anh
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: