Đặt vấn đề: Thuốc ức chế đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2) làm giảm nguy cơ nhập viện vì suy tim và tử vong do tim mạch ở bệnh nhân suy tim mạn tính và phân suất tống máu thất trái từ 40% trở xuống. Liệu thuốc ức chế SGLT2 có hiệu quả ở những bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái cao hơn hay không vẫn chưa chắc chắn.
Phương pháp nghiên cứu: Chỉ định ngẫu nhiên 6263 bệnh nhân bị suy tim và phân suất tống máu thất trái trên 40% để dùng dapagliflozin (với liều 10 mg một lần mỗi ngày) hoặc giả dược phù hợp, bên cạnh liệu pháp điều trị thông thường. Kết quả chính là tình trạng suy tim nặng hơn (được định nghĩa là nhập viện ngoài kế hoạch vì suy tim hoặc thăm khám khẩn cấp vì suy tim) hoặc tử vong do tim mạch.
Kết quả: Trong khoảng thời gian trung bình 2,3 năm, kết cục chính xảy ra ở 512 trong số 3131 bệnh nhân (16,4%) ở nhóm sử dụng dapagliflozin và ở 610 trong số 3132 bệnh nhân (19,5%) sử dụng giả dược (tỷ số nguy cơ,0,82; khoảng tin cậy 95% [CI] 0,73 đến 0,92; P<0,001). Suy tim nặng hơn xảy ra ở 368 bệnh nhân (11,8%) trong nhóm sử dụng dapagliflozin và 455 bệnh nhân (14,5%) trong nhóm sử dụng giả dược (tỷ số nguy cơ 0,79; 95% CI 0,69 đến 0,91); tử vong do tim mạch lần lượt xảy ra ở 231 bệnh nhân (7,4%) và 261 bệnh nhân (8,3%) (tỷ số nguy cơ, 0,88; 95% CI 0,74 đến 1,05). Tổng số biến cố và gánh nặng bệnh tật ở nhóm dapagliflozin thấp hơn so với nhóm giả dược. Kết quả tương tự giữa những bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái từ 60% trở lên và những bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái dưới 60%. Kết quả tương tự ở các phân nhóm được chỉ định trước, bao gồm bệnh nhân mắc hoặc không mắc bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ các tác dụng phụ tương tự nhau ở hai nhóm.
Kết luận: Dapagliflozin làm giảm nguy cơ suy tim nặng thêm hoặc tử vong do tim mạch ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm nhẹ hoặc bảo tồn.
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36027570/
Người đăng bài: Nguyễn Thị Cẩm Nhung
Người duyệt bài: Nguyễn Thị Thùy Trang
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: