Người cao tuổi bị đái tháo đường type 2 (T2D) có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch lớn hơn so với người không bị T2D. Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose (SGLT2i) là thuốc điều trị đái tháo đường làm giảm nguy cơ các biến cố tim mạch do xơ vữa, nhập viện do suy tim, bệnh thận giai đoạn cuối và tử vong. Tuy nhiên, SGLT2i cũng mang đến mối lo ngại làm tăng nguy cơ gãy xương dựa trên kết quả của thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên.
Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành với mục đích xác định mối liên hệ giữa nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi mắc đái tháo đường type 2 với việc bắt đầu sử dụng SGLT2i.
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu thuần tập, sử dụng dữ liệu của Medicare từ tháng 04/2013 đến tháng 12/2017.
Đối tượng nghiên cứu
Bệnh nhân từ 66 tuổi trở lên bị T2D, mới được kê đơn SGLT2i, hoặc thuốc ức chế dipeptidyl peptidase 4 (DPP4i), hoặc thuốc đồng vận glucagon – like peptide 1 (GLP1RA). Bệnh nhân không có tiền sử gãy xương trước đó. Để hạn chế yếu tố nhiễu, các đối tượng được ghép cặp theo điểm xu hướng với tỷ lệ 1:1:1 tương ứng với 3 nhóm sử dụng SGLT2, DPP4i hoặc GLP1RA (kết quả có 45.889 bệnh nhân trong mỗi nhóm, tổng cộng 137.667 bệnh nhân).
Tiêu chí chính: Kết cục tổng hợp của gãy xương chậu không do chấn thương, gãy xương hông cần phẫu thuật, gãy xương cánh tay hoặc xương quay hoặc xương trụ cần can thiệp trong 30 ngày.
Tiêu chí khác: Tần suất ngã, hạ đường huyết và ngất, nhiễm toan ceton đái tháo đường, tỷ lệ nhập viện do suy tim.
Kết quả
Tiêu chí chính: Không có sự khác biệt về nguy cơ gãy xương ở nhóm sử dụng SGLT2i so với nhóm DPP4i (HR 0,9; 95% CI, 0.73 – 1.11) hay GLP1RA (HR 1,0; 95% CI, 0.8 – 1.25). Kết quả này nhất quán giữa tuổi (<75 tuổi và ≥75 tuổi), giới tính, tình trạng suy yếu (đánh giá dựa trên chỉ số CFI - Claims-based Frailty Index) và việc sử dụng insulin.
Tiêu chí khác:
Hạn chế của nghiên cứu
Nghiên cứu này chưa loại trừ yếu tố nhiễu (không có thông tin về thời gian mắc đái tháo đường, giá trị HbA1c, nồng độ vitamin D và hormon tuyến cận giáp, chỉ số khối của cơ thể). Nghiên cứu cũng chưa thể đánh giá hiệu quả lâu dài của SGLT2i trên xương vì thời gian nghiên cứu ngắn (< 1 năm).
Kết luận: Trong nghiên cứu này, việc bắt đầu sử dụng SGLT2i không liên quan đến việc gia tăng nguy cơ gãy xương ở người bệnh cao tuổi bị T2D so với việc bắt đầu sử dụng DPP4i hoặc GLP1RA. Những kết quả này có thể góp phần bổ sung vào cơ sở đánh giá hồ sơ an toàn liên quan đến việc sử dụng SGLT2i ở bệnh nhân cao tuổi và mô tả rõ hơn cân bằng lợi ích - nguy cơ của SGLT2i trong thực hành lâm sàng.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: