Người dịch: Lưu Nguyệt Linh
1. Giới thiệu
Trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về sức khỏe và kinh tế trên toàn thế giới. Sử dụng thuốc chống trầm cảm là phương pháp điều trị tiêu chuẩn được lựa chọn đầu tiên cho bệnh nhân trầm cảm trong các hướng dẫn điều trị hiện nay [1].
Trầm cảm chiếm 24,5% số năm bị mất trong tất cả các khuyết tật do rối loạn tâm thần và thần kinh. Tỷ lệ trầm cảm suốt đời dao động từ 7,6 đến 16,6% trên khắp các quốc gia và gánh nặng kinh tế được ước tính lên đến 210 tỷ đô la mỗi năm ở Hoa Kỳ [2].
Trong vài thập kỷ qua, trầm cảm trở thành một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến chất lượng sống của hàng triệu người trên thế giới [3].
Sinh lý bệnh trầm cảm chưa được làm rõ hoàn toàn; ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy viêm mô thần kinh có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của rối loạn này. Cụ thể, các báo cáo cho thấy, thường xuyên có sự thay đổi trong hệ thống miễn dịch ở bệnh nhân trần cảm, chẳng hạn như nồng độ cytokin tiền viêm tăng cao trong huyết tương và trong dịch não tủy [4]. Rối loạn nhận thức cảm xúc là nguyên nhân chính của nhiều rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm và rối loạn lo âu, trong đó số lượng bệnh nhân đang gia tăng trên toàn cầu [5].
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trầm cảm là khuyết tật nặng nhất trong số các rối loạn tâm thần và hành vi [6]. Việc sản sinh các gốc tự do quá mức do stress và sau cùng là những khiếm khuyết trong khả năng chống oxy hóa cùng với sự tăng peroxid hóa lipid có liên quan đến các rối loạn trầm cảm. Ngoài ra, trục thượng thận-tuyến yên (trục HPA) bị suy yếu là một nguyên nhân gây ra trầm cảm. Sự gia tăng bất thường của nồng độ corticosteron trong huyết thanh để đáp ứng cho trục HPA bị suy yếu là nguyên nhân gây tổn thương tế bào thần kinh với biểu hiện teo hồi hải mã ở bệnh nhân trầm cảm [7].
Reserpin là thuốc chống giao cảm và an thần từng được xem là phương pháp điều trị chính cho bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên, các bằng chứng nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng chỉ ra rằng reserpin có tác dụng phụ nghiêm trọng, gây trầm cảm nặng khi sử dụng thuốc trong thời gian dài. Trầm cảm qua trung gian reserpin được gây ra bởi sự suy giảm của các monoamin trong não, như catecholamin, adrenalin, dopamin, và norepinephrin. Cơ chế tác dụng của reserpin là liên kết không thuận nghịch nhằm dự trữ các túi trong nơron monoaminergic. Bằng chứng thu thập được về việc reserpin gây ra trầm cảm đã đưa đến việc thử nghiệm thuốc trên động vật, phổ biến nhất là chuột, để tạo ra một mô hình động vật thực tế cho bệnh trầm cảm [20].
Peroxid hóa lipid có liên quan đến trầm cảm cũng như hàng loạt các bệnh mãn tính khác, ví dụ ung thư và xơ vữa động mạch, nhiều nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa các đại phân tử, như DNA, protein và lipid, do đó ngăn ngừa trầm cảm, ngăn quá trình lão hóa và gia tăng tuổi thọ của sinh vật [8]. Nghiên cứu này đề cập đến loại chất chống oxy hóa graveolens. Stress oxy hóa xảy ra khi có một sự mất cân bằng theo hướng quá tải chất oxy hóa [9]. Các gốc tự do, vì bản chất của chúng là tấn công vào các cơ quan hoạt động tương tự các chất oxy hóa trong tế bào. Sự tấn công của gốc tự do vào lipid màng không bão hòa nhiều liên kết đôi (lipid màng không bão hòa đa) tạo ra hydroperoxid và cuối cùng là tạo ra malondialdehyd (MDA). Cuộc tấn công vào lipid màng này được gọi là peroxid hóa lipid và malondiadehyd được xem như một sản phẩm của sự tổn thương gốc tự do trên lipid màng [10,11].
Apium graveolens là một loài thuộc họ Apiaceae và còn được gọi với tên cần tây. Đây là một loại cây nổi tiếng được sử dụng phổ biến trong các chế phẩm thuốc, thực phẩm, hoặc trong các loại gia vị. Toàn bộ cây có mùi vị đặc trưng và mùi thơm, đặc biệt là lá và rễ. Các dược chất và chất thơm được tìm thấy trong rễ, thân và lá. Các báo cáo trước đó cho thấy dịch chiết A. graveolens có hoạt tính sinh học bao gồm hoạt tính chống viêm, chống oxy hóa và tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh trên in vitro. Ngoài ra hạt cần tây đã được chứng minh có khả năng điều chỉnh hệ thống thần kinh. Mặc dù có rất nhiều hoạt động dược lý đã được chứng minh về A. graveolens, nhưng chưa có nghiên cứu về loài này như một tác nhân chống trầm cảm. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện để xác định tiềm năng chống trầm cảm của tinh dầu A. graveolens và khả năng chống oxy hóa ở chuột.
2. Nguyên liệu và phương pháp
2.1 Chiết xuất tinh dầu
Bộ cất tinh dầu Clevenger hoạt động theo nguyên lý chưng cất nước. Bột dược liệu được cân bằng cân phân tích và chuyển sang bình cầu, thêm nước cất và tiến hành chiết trong 4 giờ. Sau đó, thu lấy tinh dầu và thêm natri sulfat để loại nước và được bảo quản ở -20 ° C trước khi tiêm GC-MS [12].
2.2 Xác định thành phần hóa học trong tinh dầu bằng GC-MS
GC-MS là thiết bị phân tích bằng sắc ký khí và phổ khối , phương pháp này được sử dụng để xác định thành phần tinh dầu.
2.3 Động vật thí nghiệm
60 con chuột trưởng thành (6-7 tuần tuổi, nặng 18-22 g) từ Trung tâm Động vật Thực nghiệm của Tehran. Chuột được nuôi 1 tuần trong môi trường để thích nghi, kiểm soát nhiệt độ (25-27 ° C) và chu kỳ sáng / tối, và được tiếp cận tự do với thức ăn và nước uống. Việc sử dụng động vật cho nghiên cứu này đã được phê duyệt bởi Ủy ban Chăm sóc Động vật của Đại học Khoa học Y khoa Shahrekord theo Hướng dẫn về Xử lý Nhân đạo đối với Động vật trong Phòng thí nghiệm.
Các nhóm được chia như sau (N = 10): Nhóm chứng (Không nhận bất kỳ loại thuốc hoặc chứng âm nào), reserpin 5 mg/kg IP, reserpin + fluoxetin 20 mg/kg (chứng dương), reserpin + tinh dầu (50, 75 và 100 mg/kg). Nhóm can thiệp được sử dụng 5 mg/kg reserpin và 18 giờ sau thì sử dụng tinh dầu (50, 75 và 100 mg/kg).
2.4 Thử nghiệm Rotarod
Bài kiểm tra rotarod là một cách thức đánh giá khả năng vận động của loài gặm nhấm. Bài kiểm tra sẽ đo các thông số như thời gian, sức bền, khả năng phối hợp vận động. Đây cũng là cách hiệu quả để đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc thử hoặc xem khả năng phục hồi sau khi bị chấn thương.
Thử nghiệm sẽ đưa những con chuột lên một trục xoay theo chiều ngang. Chiều cao của trục phù hợp để đảm bảo con vật không bị thương và kiểm tra khả năng di chuyển của chúng. Khi trục bắt đầu xoay, con vật sẽ phải cố gắng di chuyển ngược lại để tránh bị rơi xuống đất. Khoảng thời gian mà con vật giữ được thăng bằng là thước đo cho khả năng phối hợp, vận động và tình trạng thể chất của chúng.
Trước khi đo, chuột đã thích nghi với tốc độ quay không đổi 4 vòng/phút trong 3 phút. Chuột được điều hòa trên thanh (đường kính: 3,5 cm) với tốc độ tăng dần từ 4 đến 40 vòng/phút (tăng tốc 1 vòng/phút trên 5 giây). Khả năng vận động được đo bằng thời gian cho đến khi chuột rơi khỏi hệ thống quay, tối đa 300 giây. Thời gian trung bình của 3 thử nghiệm được tính cho các phân tích thống kê. Khoảng thời gian giữa các thử nghiệm là 20 phút [13].
2.5 Thử nghiệm Open Field (OFT)
OFT là thử nghiệm kiểm tra mức độ vận động, mức độ lo lắng và sự chủ động ở động vật. Thử nghiệm được tiến hành bằng cách thả động vật vào một môi trường lạ, từ đó các biểu hiện, hành vi của động vật được đánh giá và chấm điểm theo thời gian.
Môi trường sử dụng là một khung hình vuông, kích thước 60 cm x 60 cm x 40 cm. Bắt đầu một phiên, chuột được đặt nhẹ nhàng ở trung tâm hình vuông và được phép tự do khám phá toàn bộ khung thử nghiệm. Chuột được phép làm quen trong 2 phút để bỏ sai số do tính mới của môi trường. Diện tích sàn khung được chia thành 16 ô vuông có kích thước bằng nhau, và trong vòng 5 phút, khi bốn chi chuột trong một ô vuông là một đơn vị di chuyển.
2.6 Kiểm tra bơi cưỡng bức (FST)
FST đánh giá khả năng đối phó của chuột với tình huống căng thẳng không thể trốn thoát, phản ánh hành vi giống như trầm cảm. Chuột được đặt riêng trong cốc có mỏ Pyrex 2 L (đường kính 13 cm, cao 24 cm), chứa đầy nước 23 ° C với độ sâu 17 cm. Tất cả những con chuột bị buộc phải bơi trong 6 phút và thời gian bất động được tính trong 5 phút cuối của thử nghiệm. Sự bất động được định nghĩa là thời gian con chuột trôi nổi mà không phải vật lộn và chỉ thực hiện các động tác cần thiết để giữ đầu của nó trên mực nước. Thời gian bất động được đo và so sánh bởi hai nhà quan sát để giảm thiểu sai lệch [13].
2.7 Nghiên cứu nồng độ MDA trong huyết thanh và trong não
Malondialdehyd (MDA) được đánh giá bằng phương pháp của Sikar et al. Sau khi kết tủa ban đầu bằng axit trichloroacetic (TCA), phản ứng của MDA với axit thiobarbituric tạo ra phức màu đỏ. Phản ứng của Thiobarbituric (TBA) với các aldehyd lipoperoxid hóa, như MDA, là phương pháp phổ biến nhất để đánh giá quá trình peroxid hóa lipid trong các mẫu sinh học. Tóm tắt, 0.5 ml huyết tương hoặc dịch não tủy đã được thêm vào hỗn hợp phản ứng (1,0 ml) chứa các phần bằng nhau của axit trichloroacetic 15%, HCl 0,25 N và 0,375% TBA, cộng với 2,5 mM hydroxytoluene (BHT) và 0,1 ml % natri dodecyl sulphate (SDS), đun nóng 30 phút ở 95 ° C; giá trị pH của hỗn hợp phản ứng khoảng 0,9. Sau khi làm lạnh, chất nhiễm sắc được chiết bằng n-butanol và đọc quang phổ ở bước sóng 532 nm, mẫu trắng thực hiện tuân theo quy trình nhưng thiếu huyết tương. Các kết quả được biểu thị bằng mol/L trong huyết tương và nmol/gr trong mô ướt, chất chuẩn được chuẩn bị bằng cách pha loãng theo dãy nồng độ từ chất chuẩn 1,1,3,3 tetramethoxypropan [14].
2.8 Đánh giá khả năng chống oxy hóa toàn phần (TAC)
Khả năng chống oxy hóa khử sắt (xét nghiệm FRAP) là một phương pháp để xác định TAC (khả năng chống oxy hóa toàn phần). Theo phương pháp này, một phức hợp kim loại màu xanh được hình thành bằng cách khử phức hợp ferric-tripyridyltriazin với sự có mặt của chất chống oxy hóa. Độ hấp thụ của các mẫu được xác định ở bước sóng 593nm. Sau khi so sánh độ hấp thụ của từng mẫu với đường cong tiêu chuẩn, khả năng chống oxy hóa đã được tính toán và TAC đã được báo cáo bằng µmol/L [15].
(Còn tiếp)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: