Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Thuốc kháng sinh Colistin là một kháng sinh cũ được tìm ra vào năm 1949 và dần dần không được sử dụng cho người do độc tính cao với thận và sự ra đời của các kháng sinh thay thế khác an toàn hơn. Tuy nhiên, trước sự gia tăng mạnh mẽ của các bệnh lý nhiễm trùng do các chủng vi khuẩn Gram âm siêu kháng thuốc như Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Acinetobacter baumannii, Klebsiella pneumoniae, E.coli gây nhiễm trùng máu và viêm phổi ở người bệnh được thở máy tại các khoa hồi sức tích cực thì loại thuốc này có thể được chỉ định trong một số trường hợp.
Colistin là kháng sinh nhóm nào? Thuốc có cấu trúc đại phân tử lipopeptid lưỡng cực, thuộc nhóm polymyxin, không được hấp thu qua đường tiêu hóa. Để giảm nguy cơ độc tính khi dùng đường tiêm, colistin được sản xuất ở dạng tiền thuốc natri colistin methanesulfonat không có hoạt tính hay còn được gọi là natri colistimethat (CMS). Sau khi vào cơ thể, tiền chất sẽ được thủy phân để tạo thành colistin có hoạt tính.
Ở vi khuẩn Gram âm, màng ngoài tế bào đóng vai trò là hàng rào ngăn thấm, được cấu tạo bởi lớp phospholipid bên trong và lớp bên ngoài gồm lipopolysaccharid (LPS), protein và phospholipid. Lipid A là thành phần quan trọng nhất của LPS có vai trò giữ chặt các chuỗi acyl béo ở bên trong nhờ đặc tính thân lipid, giúp ổn định toàn bộ cấu trúc màng ngoài của tế bào vi khuẩn. Cơ chế tác dụng chính xác của colistin hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng cơ chế được đồng thuận nhất hiện nay là nhờ tác dụng ly giải màng tế bào. Thuốc gắn vào lipid A, làm gián đoạn liên kết giữa các LPS để thuốc dễ dàng thấm qua màng ngoài tế bào, sau đó tiếp tục phá vỡ lớp phospholipid kép ở màng trong làm cho màng tế bào bị ly giải và gây chết tế bào vi khuẩn.
Do độc tính cao trên thận, colistin chỉ nên được sử dụng ở người bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram âm đa kháng thuốc. Thuốc thường được sản xuất ở dạng tiền thuốc CMS trong lọ bột pha tiêm. Có 2 đơn vị quy ước chính được sử dụng trên toàn thế giới về liều lượng của CMS bao gồm: đơn vị quốc tế (UI) và đơn vị mg colistin dạng hoạt tính. Tuy nhiên, trên nhãn các sản phẩm thuốc tiêm các nhà sản xuất có thể trình bày dưới dạng đơn vị quốc tế hoặc mg colistimethat dẫn đến dễ gây hiểu lầm. Trên thực tế, 1 triệu đơn vị (MUI) tương ứng với 80mg CMS và được quy đổi tương đương khoảng 33,3mg dạng colistin có hoạt tính. Liều dùng của thuốc sẽ được tính toán trên từng người bệnh tùy theo cân nặng và chức năng thận của người bệnh theo hàm lượng colistin có hoạt tính. Ở người bình thường, mức liều thường dùng không quá 5 mg/kg, thuốc được dùng theo đường truyền tĩnh mạch.
Độc tính trên thận và thần kinh là các tác dụng không mong muốn thường gặp của colistin. Một số tác dụng không mong muốn khác ít gặp hơn của colistin bao gồm các phản ứng dị ứng (phát ban, nổi mề đay, ngứa toàn thân), đau tại vị trí tiêm, độc tính trên thính giác và sốt do thuốc. Độc tính trên thần kinh của colistin phụ thuộc liều và có thể hồi phục, thường xuất hiện trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc. Biểu hiện độc tính trên thần kinh gồm có: yếu cơ, liệt mặt và ngoại vi, liệt cơ mắt, khó nuốt, mất điều vận, điếc một phần, sụp mí mắt, nhìn mờ, hoa mắt, lẫn lộn, ảo giác, co giật và hiếm khi ức chế thần kinh cơ gây liệt cơ hô hấp. Độc tính thận là tác dụng không mong muốn đáng lo ngại nhất khi điều trị bằng colistin. Độc tính thận biểu hiện bởi giảm thải trừ creatinin, có thể có protein niệu, trụ niệu và thiểu niệu. Thông thường, độc tính thận có thể hồi phục sau khi ngừng thuốc, tuy nhiên cũng có những người bệnh phải hỗ trợ bằng phương pháp lọc máu. Độc tính trên thận cũng phụ thuộc liều.
Mặc dù có độc tính cao, nhưng colistin là một trong những vũ khí ít ỏi có khả năng chống lại vi khuẩn đa kháng và siêu kháng thuốc, do đó thuốc vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong điều trị hiện nay. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc, cần phải điều chỉnh liều lượng phù hợp trên từng người bệnh cũng như theo dõi chặt chẽ chức năng thận trong thời gian điều trị.
Người đăng: Nguyễn Đoàn Khánh Trang Người duyệt: Nguyễn Thị Thùy Trang
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: