1. Isoniazid
Tên khác: INH, Rimifon
Tên khoa học: Isonicotinoylhydrazin
Tính chất
- Lý tính: Bột kết tinh trắng hay hơi có màu vàng hoặc tinh thể không màu, không mùi, vị lúc đầu hơi ngọt sau hơi đắng. Dễ tan trong nước, khó tan trong ether và chloroform.
- Hóa tính
Hóa tính của nhân pyrydin
- Nhân pyridin có khá bền vững: Khi đốt INH với N2CO3 khan sẽ giải phóng Pyridin cho mùi đặc biệt.
- Do trong nhân chứa dị vòng N bậc ba nên INH mang tính chất giống như alcaloid và cũng cho những phản ứng với thuốc thử chung của alcaloid.
- N trong nhân có tính kiềm nên có thể tạo tủa với nhiều kim loại nặng
Hóa tính hydraxid
- Tính khử: Nhóm hydrazid có tính khử mạnh có thể tham gia và nhiều phản ứng khử.
- Tác dụng với dung dịch bạc nitrat và đun nóng tạo tủa đen của bạc kim loại.
- Dung dịch chế phẩm trong nước, tác dụng với dung dịch đồng sulfat tạo màu xanh da trời và có tủa. Đun nóng, dung dịch chuyển sang màu xanh ngọc thạch và có bột khí bay ra.
Ngoài ra INH có thể khử thuốc thử Fehling giải phóng Cu2O
Kiểm nghiệm
- Định tính: Dùng các phản ứng trên
- Thử tinh khiết: Cl-, SO2-4, tro sulfat, As.
- Định lượng: Thủy phân INH bằng acid hay kiềm giải phóng hydrazin. Định lượng hydrazin bằng phương pháp iod
Công dụng: Isoniazid có tác dụng ức chế việc tổng hợp acid mycolic, thành phần cơ bản của thành tế bào vi khuẩn lao, phá vỡ thành tế bào nên vi khuẩn lao bị chết.
Chỉ định: Dùng phối hợp các thuốc khác để điều trị tất cả các dạng lao, kể cả lao màng não. Uống hoặc tiêm bắp, ngày một lần, người lớn 300 mg, trẻ em 10 mg/kg cân nặng.
Dạng bào chế: Xiro, viên nén, thuốc tiêm.
Tác dụng phụ
Khi dùng có thể gây viêm gan, viêm dây thần kinh ngoại biên. Đề phòng viêm dây thần kinh ngoại biên, cần uống kèm vitamin B6.
2. Pyrazinamid
Biệt dược: Tebrazid; pms - Pyrazinamide.
Tên khoa học: Pyrazin-2-carboxamid
Tính chất
- Lý tính: Bột kết tinh trắng hay gần như trắng không mùi hay gần như không mùi. Ít tan trong nước, cloroform, ancol và rất ít tan trong ether
- Hóa tính
Hóa tính của pyrazinamid là hóa tính của nhân pyrazin và của nhóm chức amid. Pyrazinamid hấp thu mạnh bức xạ tử ngoại, dễ bị thủy phân khi đun với dung dịch kiềm, có thể tạo muối khi tác dụng với các muối khác.
Dung dịch chế phẩm 0,005% trong nước, ở vùng sóng từ 290 nm đến 350 nm có một cực đại hấp thụ ở 310 nm. Dung dịch chế phẩm 0,0001 % trong nước, ở vùng sóng từ 230 nm đến 290 nm có một cực đại hấp thụ ở 268 nm với độ hấp thu riêng từ 640 đến 680.
Đun sôi chế phẩm trong dịch natri hydroxyd, hơi bốc lên làm xanh giấy quỳ đỏ
Tác dụng với dung dịch sắt (II) sulfat tạo màu vàng, thêm dung dịch natri hydroxyd loãng, màu biến sang xanh đen.
Kiểm nghiệm
- Định tính
Quang phổ hấp thu IR: so sánh với phổ của chất chuẩn
UV (λmax 268 nm)
Đun sôi với NaOH cho mùi amoniac
Nhiệt độ nóng chảy: 188oC-191oC
Hòa tan 0,1g chế phẩm trong 5 ml nước, thêm 1ml sắt II sulfat dung dịch chuyển sang màu cam. Thêm 1ml dung dịch NaOH loãng dung dịch trở lại xanh thẫm.
- Thử tinh khiết: Màu sắc và độ trong của dung dịch, giới hạn acid kiềm, kim loại nặng, tạp chất liên quan.
- Định lượngbằng phương pháp môi trường khan:Thủy phân chế phẩm với NaOH giải phóng NH3. Hứng NH3 vào H2SO4 0,05 M và định lượng H2SO4 0,05 M dư bằng NaOH 0,1 M.
Chỉ định: Chuyên trị lao trong giai đoạn đầu thường với vai trò chống tái phát trong các phát đồ. Chỉ dùng trong sự phối hợp với thuốc chống lao khác. Bị đề kháng nhanh chóng.
Tác dụng phụ: Chủ yếu ở gan nên không dùng cho người suy gan. Ngoài ra có thể gây ức chế thải trừ acid uric, đau khớp, sốt, buồn nôn, nôn.
Tài liệu thao khảo: Trần Đức Hậu (2007). Hóa Dược 2. Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Y học
Tác giá: Nguyễn Thị Nhơn
Bài viết được thầy Nguyễn Công Kính duyệt ngày 15/05/2021.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: