Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) bao gồm khoảng 7,500 loài, là một trong những họ lớn của ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Nhiều loài cây trong họ này có giá trị kinh tế cao như Sắn (Manihot esculenta), Thầu dầu (Ricinus communis) và Cao su (Hevea brasiliensis). Một số loài cây có màu sắc đẹp được dùng làm cảnh như Trạng nguyên (Euphorbia cyathophora), … Bên cạnh đó, nhiều loài được dùng làm thuốc chữa bệnh. Bài viết này giới thiệu hai cây thuốc quen thuộc có tác dụng lợi tiểu - thông mật thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
1. Chó đẻ răng cưa: Phyllanthus urinaria L., còn gọi là Diệp hạ châu, diệp hoè thái
- Đặc điểm thực vật: Là loại cỏ mọc hàng năm, cao chừng 30 cm, thân gần như nhẵn, mọc thẳng đứng, mang cành, thường có màu đỏ. Lá mọc so le, phiến lá thuôn, dài 5-15 mm, rồng 2-5 mm, đầu nhọn hay hơi tù, mép nguyên nhưng hơi có răng cưa rất nhỏ, mặt dưới màu lơ xanh, cuống rất ngắn hoặc không có cuống. Hoa mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu đỏ nâu. Hạt 3 cạnh, hình trứng, màu nâu nhạt, có vân ngang.
- Bộ phận dùng: toàn cây
2. Bòn bọt: Glochidion eriocarpum Champ., còn gọi là chè bọt, toán bàn tử.
- Đặc điểm thực vật: là một loại cây nhỏ, lá mọc so le, cành non có màu đỏ tím, rất nhiều lông ngắn, trắng, cành già có màu xanh nhạt. Phiến lá nguyên, hình trứng, thuôn, đáy lá tròn, đầu lá thuôn nhọn, dài 6-8cm, rộng 2-3cm, hai mật phiến có nhiều lông ngắn, màu trắng, mặt dưới nhiều lông hơn, thoạt trông giống như lá mơ lông, cuống lá ngắn 1-1,5mm, có 2 lá kèm nhỏ hình như 2 gai nhọn, mềm. Hoa rất nhỏ, đơn tính, mọc ở kẽ lá, thành cụm 3 hay 4 hoa một, 1 hoa đực, 2 hay 3 hoa cái. Hoa đực có cuống ngắn, màu trắng, dài 5mm; với 6 lá đài màu vàng nhạt. Đường kính của lá đài chỉ chừng 5mm, trên lá đài cũng có nhiều lồng nhỏ màu trắng. Hoa cái không có cuống, nhỏ hơn. Quả hình bánh xe, khi chín có màu đỏ, 4 đến 5 lá noãn. Mùa hoa vào các tháng 3-4.
- Bộ phận dùng: cành và lá.
Ngoài hai cây có tác dụng lợi tiểu – thông mật được giới thiệu trong bài viết này thì họ Thầu dầu còn có rất nhiều loài có hoạt tính sinh học cao như hoạt tính chống oxy hoá, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, … Thông tin này sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bài viết sau.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Tất Lợi (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Y Học.
Người viết: Nguyễn Thị Thu
Người duyệt: Hà Hải Anh
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: