Quả Nhàu
NHÀU (Quả) Fructus Morindae citrifoliae Quả già hay quả chín, tươi hoặc khô của cây Nhàu (Morinda citrifoliae L.) họ Cà phê (Rubiaceae). Mô tả Quả tụ do nhiều quả đơn dính sát nhau tạo thành. Quả có hình bầu dục hơi thuôn dài, kích thước dài 4 cm đến 8 cm, rộng 2,5 cm đến 5 cm; cuống dài khoảng 0,5 cm đến 1 cm, dễ rụng khi chín. Quả già màu xanh lục, thể chất cứng chắc, mặt ngoài sần sùi có nhiều mắt hình đa giác, mỗi “mắt” là một quả đơn gồm có lớp cơm mềm bao quanh một hạt hình trứng. Khi chín, quả có màu trắng hoặc vàng nhạt, thể chất mềm, dễ rã ra, mùi khai. Mặt cắt ngang có màu trắng, mọng nước, gồm nhiều ô đinh quanh một giá ở trung tâm, mỗi ô chứa một hạt; để lâu ngoài không khí chuyển thành màu nâu đen. Lát cắt khô có hình gần như tròn hay bầu dục, màu nâu đen, thể chất dai, cứng, khó bẻ. Hạt hình trứng, dài khoảng 0,5 cm đến 1 cm, vỏ ngoài màu nâu bóng, nhân hạt màu trắng, có chứa nhiều dầu béo. Vi phẫu Thịt quả: Ngoài cùng là biểu bì có mang lỗ khí, kế đến là lớp mô mềm gồm các tế bào đa giác hơi tròn, thành mỏng, rải rác có tế bào chứa tinh thể calci oxalat hình kim tụ thành bó. Thỉnh thoảng có bó mạch bị cắt ngang hoặc cắt dọc hay xéo. Hạt bị cắt ngang cho thấy lớp vỏ hạt gồm các tế bào hình chữ nhật xếp đứng sát nhau như mô giậu; kế đến là phôi nhũ gồm các tế bào hình đa giác, bên trong chứa rất nhiều giọt dầu béo. Bột Bột quả có màu xám đen (quả già) hoặc màu nâu đen (quả chín), không có xơ, mùi hăng, vị the. Mảnh vỏ quả ngoài có mang lỗ khí; mảnh mô mềm của vỏ quả giữa thường có chứa tinh thể calci oxalat hình kim; tinh thể calci oxalat hình kim rời hay tụ thành bó rất nhiều; giọt dầu béo tròn, chiết quang; mảnh mạch vạch, mạch điểm rất ít; mảnh vỏ hạt gồm các tế bào có dạng giống sợi dài xếp song song, dính thành đám nhiều hay ít; mảnh phôi nhũ gồm tế bào hình đa giác chứa nhiều giọt dầu béo. Định tính A. Dùng phần dịch lọc còn lại trong phần xác định hàm lượng chất chiết được để làm phản ứng định tính. Nhỏ vài giọt dịch lọc lên giấy lọc, để khô, nhỏ tiếp vài giọt dịch lọc, để khô. Soi dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm, vết dịch lọc có phát quang màu xanh dương. Lấy khoảng 2 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, cô cách thủy còn khoảng 1 ml, thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT), xuất hiện màu đỏ nâu. Lấy 2 ml dịch lọc, thêm khoảng 2 ml acid hydrocloric (TT) nhẹ nhàng trên thành ống nghiệm để tạo thành hai lớp. Nhúng ống nghiệm vào nước nóng hơn 95 °C khoảng 30 s, xuất hiện vòng màu xanh lá ở mặt phân cách, loang dần lên lớp trên. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4). Bản mỏng. Silica gel G60F254 Dung môi khai triển: Benzen – ethyl acetat – acid formic (80 : 19 : 1). Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu khô, thêm 30 ml ethanol 96 % (TT) hoặc 20 g dược liệu tươi đã nghiền nhỏ, thêm 80 ml ethanol 96 % (TT). Đun hồi lưu cách thủy trong 10 min. Lọc lấy dịch lọc. Cô cách thủy đến cắn, hòa cắn trong benzen (TT) để được khoảng 1 ml dung dịch thử. Dung dịch đối chiếu: Lấy 3 g bột quả Nhàu khô (mẫu chuẩn), thêm 20 ml ethanol 96 % (TT) hoặc lấy 20 g quả nhàu tươi (mẫu chuẩn) đã nghiền nhỏ, thêm 80 ml ethanol 96 % (TT). Tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử. Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 10 cm, lây bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng. Phun lên bàn mỏng dung dịch vanilin – acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 100 ˚C đến 105 °C trong khoảng 5 min. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc đồ của dung dịch thử phải có nhiều hơn 5 vết màu tím hay xanh tím, trong đó có hai vết khá to, màu tím đậm có giá trị Rf ứng với khoảng 0,4 ± 0,05; 0,8 ± 0,05 và phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu. Độ ẩm Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 4 h). Tro toàn phần Không quá 10,0 % (Phụ lục 9.8). Tạp chất (Phụ lục 12.11) Tạp chất khác: Không quá 1,0 %. Tỷ lệ hạt: Không quá 30,0 %. Chất chiết được trong dược liệu Không được ít hơn 17,0 % tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Sử dụng ethanol 96 % (TT) làm dung môi. Dùng 5 g dược liệu; sấy cắn ở 100 °C đến khối lượng không đổi. Chế biến Thu hoạch quả quanh năm, khi quả già hoặc sắp chín, rửa sạch, cắt thành từng khoanh tròn dày khoảng 3 mm đến 5 mm, phơi trong bóng râm, nơi thoáng gió hoặc sấy nhẹ đến khô. Bảo quản Để nơi khô, mát, trong bao bì kín. Tính vị, quy kinh Vị chát, Vào kinh thận, đại tràng. Công năng, chủ trị Nhuận tràng, lợi tiểu, điều kinh, hoạt huyết. Chủ trị: Táo bón. tiểu tiện không thông, điều kinh, hạ sốt, chữa ho, hen; còn dùng với tính chất tăng cưởng miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Liều lượng, cách dùng Ngày dùng từ 12 g đến 16 g, dạng thuốc sắc (chữa cao huyết áp), hoặc ngâm rượu.
Nguồn bài viết: https://duocdienvietnam.com/nhau-2/