THÚC ĐẨY KHỞI NGHIỆP TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN THẾ GIỚI VÀ VẬN DỤNG VÀO KHU VỰC TÂY NGUYÊN (Phần 2)
KINH NGHIỆM THÚC ĐẨY KHỞI NGHIỆP TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN THẾ GIỚI
+ Phần Lan: Phần Lan - nơi sản sinh ra những gã khổng lồ làng công nghệ như Linux, Nokia cũng như các tựa game phổ biến toàn cầu như Angry Bird và Clash of Clans- được xếp hạng cao trong giáo dục quốc tế. Bộ Giáo dục Phần Lan chỉ đóng vai trò định hướng còn các trường học được quyền tự chủ để điều chỉnh bài học, cách giảng dạy ở quy mô lớn. Điều này sẽ giúp các trường học có đủ không gian để dễ dàng thích ứng với những thay đổi trong chương trình giảng dạy chính của quốc gia. Ngoài trường học, các tổ chức phi lợi nhuận như Văn phòng Thông tin Kinh tế (EIO) cũng tích cực tham gia vào quá trình đào tạo thanh thiếu niên Phần Lan. Nguyên nhân của sự phát triển khởi nghiệp tại Phần Lan là do chính phủ tập trung hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên, chủ yếu là lĩnh vực công nghệ. Các Start-up được sự hỗ trợ bằng những nghiên cứu khoa học từ chính các trường đại học ở Phần Lan. Các nghiên cứu này như một bệ đỡ quan trọng cho sản phẩm của các Start-up đi đúng hướng, phù hợp không chỉ với người tiêu dùng tại Phần Lan mà còn trên toàn cầu. Tại Phần Lan, hầu hết các giáo viên và giảng viên đều chủ động về chương trình mình giảng dạy và đều có khả năng nghiên cứu khoa học. Vì thế khi giảng viên có phát kiến thì họ có thể thúc đẩy nghiên cứu ngay tại lớp học sau đó được nhân rộng ra. Chính vì vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Phần Lan sẽ do giáo dục làm chủ, còn công nghệ là phương tiện để phát triển các sản phẩm thực sự hữu dụng. Bên cạnh đó, các trường đại học ngoài hai chức năng truyền thống là nghiên cứu và đào tạo còn đóng vai trò chính trong việc cung cấp công nghệ và mô hình kinh doanh mới phục vụ cho phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo trong vùng. Để thực hiện điều này chính phủ cung cấp 65% vốn và các trường đại học sẽ tự tìm 35% vốn còn lại.
+ Thái Lan : Đối với chính phủ Thái Lan, thúc đẩy khởi nghiệp hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhiệm vụ quan trọng. Những sáng kiến đến từ chính phủ trở thành chìa khóa cho hoạt động ươm tạo start-up và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung thông qua việc cung cấp nguồn vốn, các chuyên gia cố vấn và giảm thuế. Bộ Khoa học và Công nghệ Thái Lan định hướng phát triển Bangkok thành thủ đô khởi nghiệp và chuẩn bị xây dựng các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp mới tại các quận Thung Khru và Pathumwan để hỗ trợ các start-up tập trung vào phát triển giải pháp sử dụng khoa học công nghệ. Việc chính phủ Thái Lan thành lập các vườn ươm doanh nghiệp trong lòng đại học được xem là một trong những hoạt động chính trong thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường đại học. Chính phủ giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập các trường đại học nghiên cứu quốc gia nhằm gia tăng đầu ra trong các lĩnh vực quan trọng phục vụ cho sự cạnh tranh quốc gia. Ủy ban giáo dục chọn ra chín trường đại học nghiên cứu hàng đầu để cải thiện khả năng nghiên cứu, khuyến khích nghiên cứu sản xuất. Ngoài ra, Bộ thông tin – Công nghệ truyền thông thành lập “ Vườn ươm kỹ thuật số” thúc đẩy các ngành du lịch, y tế, robot và công nghệ sáng tạo.
+ Đức: Sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp tại Đức không ngừng thu hút giới trẻ tự đứng ra thành lập doanh nghiệp riêng, trong số đó có không ít bạn trẻ vẫn còn đang ngồi ghế nhà trường. Theo ước tính, năm 2016 có khoảng 6.000 dự án khởi nghiệp ở Đức. Các chính sách chung của Chính phủ cũng như các trường đều nhằm khuyến khích khởi nghiệp. Các trường đại học có nhiệm vụ rõ ràng về khởi nghiệp, tập trung để thay đổi tư duy. Hướng tới việc đưa giới trẻ nghĩ về tạo ra giá trị hơn là tìm kiếm một việc làm. Hầu hết các trường đại học của Đức đều có các khóa Giáo dục và đào tạo khởi nghiệp. Nhiều trường đại học có phòng chuyển giao công nghệ và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Các hoạt động khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ còn được đặt trong các vườn ươm khác nhau, các công viên khoa học/ công nghệ xung quanh các trường đại học. Nhiều sáng kiến trong đào tạo khởi nghiệp được hình thành, khuyến khích khởi nghiệp cho sinh viên trong toàn trường và tạo ra các module mới về môn học khởi nghiệp cho sinh viên. Ngoài ra, còn gia tăng kết nối giữa khu vực công - tư, gia tăng liên kết giữa đại học và ngành công nghiệp trong giảng dạy, liên kết giữa nguồn tài chính công và tư cho khởi nghiệp.
+ Malaysia: Tinh thần khởi nghiệp tại Malaysia đang có những bước tiến vượt bậc, đang được đánh giá cao của cộng đồng Start-up quốc tế. Bộ giáo dục Malaysia đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 15% sinh viên nước này dấn thân khởi nghiệp ngay khi còn đi học và ít nhất 5% trở thành doanh nhân sau khi tốt nghiệp. Để đạt được mục tiêu này không thể phủ nhận vai trò của các trường đại học trong việc thúc đẩy khởi nghiệp tại Malaysia. Ở một số trường đại học, bộ phận chuyển giao công nghệ được thành lập nhằm thương mại hóa sản phẩm học thuật, tạo ra thu nhập từ các nguồn lực được hỗ trợ từ bên ngoài. Bộ phận này không đơn thuần là chuyển đổi dòng tiền mà giúp các Start-up tiếp cận các nguồn quỹ nghiên cứu và phát triển cũng như các kiến thức chuyên môn đầu ngành của các chuyên gia. Để thúc đẩy các trường đại học nghiên cứu Chính phủ Malaysia đưa ra các chính sách và chương trình hỗ trợ về nguồn tài chính để hướng đến nền kinh tế tri thức lấy con người làm chủ đạo.
+ Mỹ: Để duy trì vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế thế giới, Hoa Kỳ lấy tinh thần khởi nghiệp làm lợi thế cạnh tranh chủ đạo. Thay vì coi trọng dòng dõi, truyền thống như nhiều quốc gia khác, Hoa Kỳ coi trọng những cá nhân sẵn sàng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, bất kể địa vị trong xã hội. Những người làm chính sách cho rằng đại học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế khu vực và thúc đẩy khởi nghiệp. Các trường đại học Mỹ xây dựng lối sống và văn hóa khởi nghiệp ngay trong trường đại học bằng việc khuyến khích các sinh viên thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh mới, trao vốn cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất và bổ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên bằng các khóa học chuyên môn như : pháp lý, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… Bên cạnh đó chính phủ Mỹ khuyến khích xây dựng các chương trình gắn kết giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp như hỗ trợ nghiên cứu (bao gồm tài chính và thiết bị cho trường học), cộng tác nghiên cứu, chuyển giao tri thức và chuyển giao công nghệ.