Sâm vũ diệp (SVD) là loại cây ưa bóng, ưa ẩm, thích hợp với điều kiện quanh năm mát mẻ. Cây thường mọc rải rác hay tập trung thành từng đám nhỏ dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, độ tán che 80-100% (bởi tầng cây gỗ lập tán phía trên). Cây trồng thí nghiệm dưới tán rừng có trồng thảo quả và ở vườn có mái che bằng phên nứa và lưới nhựa màu đen với độ che bóng khoảng 90% đều sinh trưởng phát triển tốt.
Sâm vũ diệp thường mọc trên đất ẩm có nhiều mùn (do lá cây rừng rụng nát và tích tụ); độ pH của đất từ 5,5-6,5. SVD là loại thân thảo sống nhiều năm. Tuy nhiên, phần mang lá trên mặt đất lụi hàng năm vào mùa đông; mọc chồi thân mới từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch. Đến giữa tháng 3, khi lá non gần đạt đến độ trưởng thành, cây bắt đầu có hoa. Hoa nở rộ trong vòng 15-20 ngày, giai đoạn quả xanh kéo dài đến tháng 7 và tháng 8 thì chín. Cá biệt trong tự nhiên, quả chín tồn tại đến tháng 9 hoặc tháng 10 (TTH). Quả chín rụng ngay xuống đất, xung quanh gốc cây mẹ, nếu không bị tác động, hạt sẽ nảy mầm vào tháng 3 năm sau. Thân rễ của hai loài này mọc nổi hẳn lên mặt đất đồng thời với sự mọc lên của chồi thân mới, phần thân rễ (củ) cũng được mọc dài ra và lớn lên về đường kính.
Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, sống nhiều năm; cao 0,25 – 0,7 m; đường kính thân từ 0,3 – 0,6 cm. Thân rễ mập, phân nhánh, nằm ngang và thường nổi trên mặt đất; đường kính 1,5 – 3,5 cm. Phần thân mang 3 – 5 lá, mọc vòng ở đỉnh thân; Lá kép chân vịt, thường gồm 3 – 5 lá chét, mép khía răng cưa. Cụm hoa tán đơn, mọc ở ngọn; cuống cụm hoa 5 – 10 cm; cụm hoa có từ 20 – 90 hoa; cuống hoa mảnh dài 1 – 1,5 cm. Hoa mẫu 5, bầu 2 ô. Quả hình cầu đến hình cầu dẹt; đường kính 0,6 – 1,2 cm; khi chín màu đỏ. Hạt 2, hình cầu hoặc gần cầu, màu xám trắng; vỏ cứng, có rốn hạt [Zhu Suying, Duan Chengli, Xiao Fenghui (2005), The diurnal variations of photosynthesis in Panax stipuleanatus, Journal of Yunnan Agricultural University].
Thành phần hóa học của lá và thân rễ Sâm vũ diệp được phát hiện có nhiều saponin khung dammaran và oleanan.
Năm 2011, Nguyễn Hữu Tùng và cộng sự đã nghiên cứu về thành phần hóa học của thân rễ cây sâm vũ diệp được thu hái ở vùng đông bắc dãy Hoàng Liên Sơn, Việt Nam. Bằng các phương pháp hóa học và phương pháp phân tích phổ, tác giả đã phát hiện ra 10 saponin (hình 2) thuộc khung oleanan như hình dưới đây bao gồm 3 chất mới là bifinosid A (1), bifinosid B (2), bifinosid C (3) và 7 chất khác bao gồm narcissiflorin methyl ester (4), chikusetsusaponin IVa (5), pseudoginsenosid RP1methyl ester (6), stipuleanosid R1(7), pseudoginsenosid RT1 methyl ester (8), momordin IIe (9) và stipuleanoside R2 methyl ester (10) [a-Nguyễn Hữu Tùng và cộng sự (2011), “Oleanolic Triterpene Saponins from the roots of Panax bipinnatifidus”, Chem.Pharm. Bull. 59(11) pp. 1417-1420]
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: