Cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifoliaBurm., Euphorbiaceae) mọc hoang ở khắp nơi ở Việt Nam, ưa đất có sỏi, đá, thường thấy ở các kẽ gạch, sân xi măng, dọc đường xe lửa có dải những hòn đá vôi xanh. Trên thế giới, cỏ sữa lá nhỏ cũng mọc hoang ở một số nước như Bangladesh, Ấn Độ. Theo y học cổ truyền, cỏ sữa lá nhỏ được sử dụng để chữa lỵ, nhất là ở trẻ em; tăng huyết áp, các bệnh lý về tim mạch và hội chứng khí hư; đái tháo đường và giảm đau... Lá và hạt cỏ sữa lá nhỏ được sử dụng trong chứng rối loạn đường ruột ở trẻ em và là thuốc nhuận tràng. Đồng thời, hoạt tính kháng khuẩn ủa cỏ sữa lá nhỏ đã được phát hiện từ năm 1988.
Vì có nhiều hoạt tính sinh học nên Cỏ sữa lá nhỏ đã được các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam quan tâm nghiên cứu.
Ở trong nước, Đỗ Huy Bích và cộng sự nghiên cứu cho thấy bộ phận trên mặt đất của cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thynifolia L.) có epitaraxerol, quercetin 3-β-galactosid và alcol. Lá và thân có flavonoid cosmosiin. Rễ có alcol myricylic, taraxerol và tyrucalol. Bên cạnh đó, cỏ sữa lá nhỏ chứa tinh dầu màu xanh, mùi đặc biệt, vị kích ứng. Thành phần gồm cymol, carvacrol, limonen, sesquiterpen và acid salicylic.
Năm 2011, Vũ Minh Trang và cộng sự đã chiết và phân lập được các thành phần phenolic chính từ phân đoạn chiết EtOAc của phần trên mặt đất cây cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thynifolia Burm.) của Việt Nam gồm: Acid gallic, Methyl gallat, Apigenin, Quercetin, Apigenin 7-O-β-D-glucopyranosid và β-sitosterol.
Năm 2012, Vũ Minh Trang và cộng sự tiếp tục nghiên cứu các thành phần khác từ lá của cây thuốc này. Phần chiết metanol phần trên mặt đất cây cỏ sữa lá nhỏ được phân bố lần lượt giữa H2O và n-hexan, CH2Cl2 và EtOAc để cho các phần chiết tương ứng. Các phần chiết n-hexan và CH2Cl2 được phân tách bằng sắc kí cột gradient cho các chất hợp chất dipeptide: Asperglaucid, Aurantiamid và β-sitosterol 3-O-β-D-glucopyranosid. Phần chiết nước chứa các hợp chất phân cực được phân tách bước đầu bằng sắc ký cột với Diaion HP-20 (Mitsubishi Chemicals), sau đó các phân đoạn được rửa giải với 40% và 60% MeOH/H2O được phân tách tiếp bằng CC trên silica gel và tinh chế bằng FC trên silica gel cho thành phần chính luteolin 7-O-β-D-glucopyranosid.
Năm 2013, Nguyễn Khoa Hạ Mai và cộng sự cao tiến hành nghiên cứu tổng hàm lượng polyphenol của một số cây thuốc ở An Giang bằng phương pháp trắc quang với thuốc thử Folin-Ciocalteau cho kết quả rằng lá cây cỏ sữa lá nhỏ (Euphorbia thymifolia) là một trong những mẫu cho tổng hàm lượng polyphenol cao.
Năm 2014, Nguyễn Xuân Hải và cộng sự đã phân lập và xác định cấu trúc được 12 hợp chất polyphenol từ cao EtOAc của cây cỏ sữa lá nhỏ như sau: 9 -ketopinoresinol (1), Syringaresinol (2), Umbelliferone (3), Scopoletin (4), Isofraxidin(5), Brevifolin methyl carboxylate (6), p-hydroxybenzoic acid (7), Protocatechuic acid (8), Gentistic acid (9), Vanillic acid (10), Gallic acid (11), Methyl gallate (12). Các hợp chất polyphenol này lần đầu tiên được phân lập từ chi Euphorbia. Kết quả thử hoạt tính ức chế enzyme α – glucosidase của các hợp chất này cho thấy các hợp chất (1), (2), (4), (5), (6) và (10) có giá trị IC50 < 100 µM, mạnh hơn chất đối chứng dương acarbose (IC50 là 214.5 µM). Trong đó, hợp chất (1) có hoạt tính mạnh nhất với giá trị IC50 là 16.1 µM.
Cùng năm 2014, Nguyễn Thị Tuyết Lan phân lập được 1 flavonoid từ cao chiết EtOAc của cây cỏ sữa lá nhỏ là quercetin-3-O-arabinofuraroside.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: