Đặc điểm chung
Thân dạng dây leo hay cỏ mọc đứng, rễ có thể phù lên thành củ (Bình vôi). Lá đơn, nguyên, hình khiên hay hình tim, mọc so le, không có lá kèm. Gân lá hình chân vịt hoặc hình lọng. Cụm hoa: chùm, xim 2 ngả ở nách lá, ít khi hoa riêng lẻ. Hoa: nhỏ, đều, đơn tính khác gốc, kiểu vòng, mẫu 3.
Các cây thuốc tiêu biểu trong họ
1. Vàng đắng: Coscinium fenestratum (Gaertn.) Colebr.. Là nguyên liệu chiết xuất berberin để làm thuốc trị tiêu chảy, lỵ trực trùng, viêm ruột vàng da, sốt rét.
2. Hoàng đằng (Vàng giang): Fibraurea recisa Pierre. Hoa không cánh, có 6 lá đài, hoa đực 3–6 nhị. Trị kiết, tiểu đường. Rễ bổ.
3. Hoàng đằng: Fibraurea tinctoria Lour.. Hoa có 3 lá đài, 3 cánh hoa; hoa đực có 6 nhị. Rễ cắt ra có màu vàng sẫm, làm thuốc chữa đau mắt, lợi tiểu. Rễ bổ.
4. Dây mối (Lõi tiền): Stephania japonica (Thunb.) Miers. var. discolor (Blume) Forman (Stephania hernandifolia (Woll.) Walp.). Hoa đực có nhị dính thành một cột. Lá có đáy cắt ngang và mặt dưới trăng trắng. Cuống lá gắn trong phiến lá. Trị kiết, làm thông tiểu.
5. Bình vôi: Stephania rotunda Lour.. Dây leo, có rễ củ to, vùi một nửa dưới dất, hình giống cái bình vôi, ruột màu vàng thơm, có khi nặng đến 20 kg hay hơn. Trong củ có alcaloid là ditetrahydropanmetin dùng làm thuốc trấn kinh trong các bệnh mất ngủ.
6. Dây kí ninh: Tinospora crispa (L.) Miers ex Hook. f. & Thoms.. Làm thuốc bổ, chữa sốt rét, trợ tiêu hoá.