Đặc điểm chung
Cây thân cỏ, sống 1-2 năm hoặc nhiều năm; đôi khi là dạng dây leo (Dây ông lão). Rễ có thể phù lên thành củ (Ô đầu). Không có mô tiết.
Lá mọc so le, ít khi mọc đối. Bẹ lá phát triển ít nhiều. Ở Dây ông lão, cuống lá quấn vào các vật xung quanh giống như tua cuốn. Phiến lá có thể đơn, nguyên, hình tròn, hình tim với gân hình chân vịt hoặc xẻ sâu. Vài loại có lá kép hình lông chim. Cụm hoa: chùm, xim, tán đơn hay kép ở nách lá hay ngọn cành. Đôi khi hoa riêng lẻ ở ngọn. Hoa: lưỡng tính, đều hay không đều. Đế hoa lồi.
1. Ô đầu (Củ gấu tàu): Aconitum carmichaeli Debx. (A. fortunei Hemsl.). Rễ củ chứa alcaloid rất độc là aconitin, dùng ngâm rượu làm thuốc xoa bóp trị đau nhức.
2. Phong quỳ: Anemone japonica (Thunb.) Sieb. & Zucc.. Rễ phối hợp với các vị thuốc khác chữa bệnh về tim.
3. Dây ruột gà (Mộc thông): Clematis chinensis Osbeck. Rễ chữa tê thấp vàng da, ung thư, làm lợi tiểu.
4. Dây ông lão (Vằng kim cang): Clematis smilacifolia Wall.. Quả bế xếp hình sao trên một cuống chung, đầu quả có mang vòi có lông dài màu trắng như tóc bạc của cụ già. Có tác dụng làm giảm đau, nhức mỏi.
5. Hoàng liên: Coptis chinensis Franch.. Thân rễ chứa berberin, dùng làm thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ. Ngoài ra còn là vị thuốc bổ đắng, có tác dụng kiện vị, trị tiêu hoá kém, viêm dạ dày.
6. Mao lương (Mao lương độc): Ranunculus sceleratus L.. Toàn cây dùng ngoài trị lao hạch bạch huyết, thấp khớp, viêm mủ ở da, nhọt, loét chân mãn, rắn cắn.
7. Thổ hoàng liên: Thalictrum foliolosum DC.. Được dùng tương tự như Hoàng liên.