Hiện nay, coronavirus 2 (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới. SARS-CoV-2 thường liên quan đến phổi, dẫn đến viêm phổi, nhưng các nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng nhiều hệ thống cơ quan khác, bao gồm hệ thống tim mạch, miễn dịch, thần kinh và tiêu hóa đều có thể bị ảnh hưởng. Mặc dù các di chứng thần kinh khác nhau ở các cá thể mắc COVID-19 đã được xác định nhưng mối liên hệ cụ thể giữa tình trạng nhiễm covid-19 và rối loạn thần kinh vẫn chưa được biết rõ. Bài báo này trình bày phân tích tổng hợp định lượng của các nghiên cứu đã được công bố liên quan đến các biến chứng thần kinh sau nhiễm COVID-19.
Trong một loạt trường hợp ở Vũ Hán - Trung Quốc, có 36,4% trong số tổng số ca mắc Covid-19 có các triệu chứng về hệ thần kinh trung ương (CNS), 8,9% có triệu chứng về hệ thần kinh ngoại vi (PNS) và 10,7% báo cáo các triệu chứng về cơ xương khớp. Các đặc điểm bệnh về thần kinh không phải lúc nào cũng bắt buộc phải gây nhiễm trực tiếp trên PNS hoặc CNS mà có thể phát sinh do phản ứng toàn thân nghiêm trọng đối với một căn bệnh do virus bên ngoài hệ thần kinh gây ra. Tuy nhiên, các báo cáo về viêm màng não và viêm não trong bối cảnh COVID-19 đã được báo cáo trong thời gian gần đây, cho thấy SARS-CoV-2 có thể gây nhiễm trực tiếp lên hệ thần kinh. Lý do cho sự liên quan này là do protein đột biến SARS-COV-2 có ái lực cao với thụ thể ACE-2, gần đây đã được phát hiện trên tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm trong một số cấu trúc của não. Các yếu tố liên quan khác bao gồm tình trạng thiếu oxy thứ phát, tổn thương liên quan đến cytokine và sự vận chuyển ngược dòng qua dây thần kinh khứu giác. Mặc dù có nhiều nghiên cứu liên quan đến các biểu hiện thần kinh và biến chứng của COVID-19, chỉ một số trường hợp hậu quả liên quan đến thần kinh sau khi phục hồi hoàn toàn sau nhiễm SARS-CoV-2 đã được mô tả.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có tổng cộng 55 trường hợp, có 37 trường hợp nam (67,3%) và 16 trường hợp nữ (29,1%), và số còn lại là không xác định. Độ tuổi trung bình là 48,27 tuổi, từ 7 tháng đến 81 tuổi. Nhìn chung, 17 bệnh nhân (30,9%) có các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, IHD và bệnh bạch cầu lymphoid cấp tính (ALL), trong khi 27 trường hợp (49,1%) không có tiền sử bệnh và số còn lại không xác định được. Trong thời gian bị bệnh COVID-19, 24 bệnh nhân (43,6%) phải nhập viện với 3 bệnh nhân trong số họ (5,5%) được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), và 12 trường hợp khác không được báo cáo về việc họ có nhập viện hay không (20%). Khoảng thời gian trung bình từ khi nhiễm COVID-19 đến khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thần kinh là 33,2 ngày, dao động từ 8 ngày đến 130 ngày. Hội chứng Guillain-Barre (GBS) là tình trạng thần kinh được báo cáo phổ biến nhất (12; 21,8%), tiếp theo là đột quỵ (9; 16,4%) và viêm dây thần kinh thị giác (7; 12,7%).
Từ những thông tin trên cho thấy việc nhận biết các biến chứng thần kinh và cơ xương của COVID-19 sẽ có giá trị và có thể cung cấp thêm thông tin để giúp hiểu hơn về các biến chứng sau khi nhiễm COVID-19.
Nguồn tài liệu tham khảo:
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S204908012200200X
Người viết bài: ThS. Phạm Thị Thanh Tuyền
Người duyệt bài: TS. Hà Hải Anh
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: