1. Vai trò của thế giới quan và phương pháp luận của triết học trong hiện đại hóa y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại
Hiện đại hóa y học cổ truyền (YHCT) là ứng dụng những thành tựu về lí luận, nhận thức lẫn những phương pháp nghiên cứu tiên tiến nhất của khoa học hiện đại (bao gồm cả y học hiện đại) vào YHCT. Mục đích của quá trình này nhằm nâng cao tính khoa học, tính hiện đại của YHCT, nhưng đồng thời không làm mất đi đặc điểm riêng của YHCT. Kết hợp YHCT với y học hiện đại (YHHĐ) là tìm ra những đặc điểm chung giữa hai nền y học trên các mặt lí luận, điều trị và dự phòng… Việc phát huy những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm giúp cho tinh hoa về lí luận và phương pháp của hai nền y học có cơ hội kết hợp trở thành một hệ thống y học chung cho công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ví dụ: Vị thuốc Thanh hao hoa vàng được dùng chữa chứng Ngược tật có biểu hiện sốt “Hàn nhiệt vãng lai”. Hiện nay chúng ta đã tách chiết và sản xuất Artemicinin để điều trị diệt kí sinh trùng sốt rét.
Theo sự phát triển của khoa học kĩ thuật, phương pháp luận này ngày càng hoàn thiện và trở thành công cụ chỉ đạo nghiên cứu khoa học. Xuất phát từ phương pháp luận chẳng những chúng ta giải quyết được phương pháp nghiên cứu hiện đại hóa YHCT và kết hợp YHCT với YHHĐ mà còn góp phần định hướng cho công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành YHCT cho mai sau.
Hiện đại hóa là một xu thế tất yếu của YHCT, là yêu cầu quan trọng để phát triển y học. Trong quá trình hiện đại hóa YHCT cần sử dụng lí luận và phương pháp của nhiều môn khoa học hiện đại như: Sinh học phân tử, điều khiển học, điện từ học, quang học, vật lí nguyên tử… ứng dụng những thành tựu này vào lí luận cơ sở và điều trị lâm sàng đều cho kết quả đáng mừng. Đặc biệt trong những năm gần đây người ta dùng máy vi tính trong nghiên cứu mạch học, dùng vi điện tử để nghiên cứu cơ chế châm cứu, dùng những định hình quang để nghiên cứu sự thay đổi tế bào miễn dịch… những nghiên cứu này đã thu được kết quả phong phú và ngày càng được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng.
Kết hợp YHCT với YHHĐ cũng là một yêu cầu quan trọng để phát triển y học Việt Nam (YHCT và YHHĐ) thuộc hai hệ thống khác nhau, mỗi nền y học đều có đặc điểm riêng của mình. Tuy có điểm khác biệt về lí luận, lịch sử phát triển, phương pháp nghiên cứu…Nhưng cả hai đều là môn khoa học nghiên cứu về sinh lí và bệnh lí của con người. Kết hợp YHCT với YHHĐ giúp nhận thức về con người và chăm sóc sức khỏe cho con người càng toàn diện và càng phù hợp với quy luật khách quan hơn. Xét về lịch sử phát triển y học, mỗi môn khoa học và từng trường phái học thuật đều ảnh hưởng và thu hút lẫn nhau. Thực tiễn lâm sàng cho thấy nhiều bệnh nếu được điều trị bằng kết hợp YHCT với YHHĐ cho kết quả tốt hơn chỉ dùng đơn độc một cách điều trị.
Ví dụ điều trị bệnh Lupus dùng thuốc hoạt huyết hoá ứ và thanh nhiệt giải độc của YHCT kết hợp với thay huyết tương và Corticoid của YHHĐ sẽ cho kết quả tốt hơn chỉ dùng đơn độc một phương pháp điều trị.
Hoặc điều trị bệnh mạch vành ngoài việc dùng thuốc hoạt huyết hoá ứ, phương hướng ôn thông nhằm thông dương tuyên tý và bổ thận trợ dương. Nếu gia thêm lượng nhỏ Quinidin thì thuốc có tác dụng hiệp đồng vừa dự phòng hình thành khối máu tụ vừa chống phát sinh bội nhiễm.
Kết hợp hai nền y học còn thể hiện thông qua nghiên cứu lí luận cơ bản YHCT về cơ chế của châm cứu giảm đau đề xuất kĩ thuật châm tê giảm đau trong phẫu thuật.
Những năm gần đây, nhiều thầy thuốc trong và ngoài nước kết hợp biện chứng đại thể của YHCT với biện chứng vi thể của YHHĐ. Một bệnh được chẩn đoán theo tiêu chuẩn của YHCT còn được xem xét theo các tiêu chuẩn sinh hoá, giải phẫu bệnh, thậm chí cả những biến đổi về gen theo YHHĐ. Qua đó ta thấy rằng việc tiêu chuẩn hoá, khách quan hoá chuẩn đoán và điều trị đã nâng cao chất lượng biện chứng luận trị của YHCT.
2. Vai trò của thế giới quan và phương pháp luận của triết học trong sự phát hiện về sinh vật học
Sự phát triển của sinh vật học, từ những phát hiện về tế bào, tiến hoá luận của S. Đácuyn cho đến lý thuyết về gen, về các phân tử AND, ARN, đã cho chúng ta biết chắc chắn thực vật, động vật, cơ thể cn người đều có thành phần vô cơ, có cấu trúc và phân hoá thế bào như nhau, có cùng cơ cấu di tryền sự sống, là các bậc thang trong quá trình tiến hoá của thế giới vật chất. Và hiện nay chúng ta đang ứng dụng rất tốt sự phát triển của sinh học vào sự tiến bộ của y- dược học như xét nghiệm di truyền hay còn được gọi là xét nghiệm AND. Đây là một loại xét nghiệm y tế nhằm xác định những thay đổi về nhiễm sắc thể, gen hoặc protein. Kết quả xét nghiệm di truyền có thể xác nhận hoặc loại trừ bệnh di truyền, giúp xác định một người có nguy cơ phát triển, khả năng truyền bệnh rối loạn di truyền cho thế hệ sau, xác định ADN huyết thống. Hơn 1.000 xét nghiệm ADN hiện đang được sử dụng và vẫn đang được phát triển nhiều hơn.
Xét nghiệm di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định nguy cơ phát triển một số bệnh cũng như sàng lọc bệnh và đôi khi điều trị bệnh. Các loại xét nghiệm di truyền khác nhau thì sẽ được thực hiện trong những trường hợp cụ thể khác nhau như:
Chẩn đoán bệnh: nếu người bệnh có các triệu chứng của một bệnh có thể do di truyền hay ADN của người bệnh, đôi khi còn được gọi là gen đột biến, xét nghiệm di truyền có thể phát hiện bệnh có phải do đột biến gen hay không. Ví dụ, xét nghiệm di truyền có thể được sử dụng để xác nhận chẩn đoán bệnh xơ nang (Cystic fibrosis -CF) hoặc bệnh Huntington.
Xét nghiệm tiên đoán và xét nghiệm trước triệu chứng (predictive and presymptomatic test): nếu một người khỏe mạnh có tiền sử gia đình mắc bệnh di truyền, việc xét nghiệm di truyền trước khi người đó có triệu chứng có thể cho thấy nguy cơ mắc phải bệnh di truyền đó như thế nào. Ví dụ, loại xét nghiệm này hữu ích để xác định nguy cơ mắc một số loại ung thư đại trực tràng.
Xét nghiệm chất mang (Carrier testing): nếu một người có tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn di truyền - chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm hoặc xơ nang - hoặc người đó thuộc nhóm tộc người có nguy cơ mắc một rối loạn di truyền cụ thể thì người đó có thể chọn xét nghiệm di truyền trước khi có con. Xét nghiệm sàng lọc chất mang có thể phát hiện các gen liên quan đến nhiều loại bệnh, tình trạng đột biến gen và có thể xác định xem người đó và vợ/chồng sắp cưới có phải là người có cùng mang gen đột biến hay mắc bệnh di truyền hay không.
Xét nghiệm tiền sản: nếu sản phụ đang mang thai, các xét nghiệm có thể phát hiện một số loại bất thường trong gen của thai nhi. Hội chứng Down và hội chứng trisomy 18 là hai rối loạn di truyền thường được sàng lọc di truyền trước sinh. Theo đây, để phát hiện các bệnh này, người ta thực hiện bằng cách tìm vào các chất chỉ điểm trong máu hoặc bằng xét nghiệm xâm lấn như chọc ối. Ngày nay có người ta sử dụng xét nghiệm máu từ mẹ để tìm DNA tự do từ thai (cffDNA – cell free fetal DNA).
Sàng lọc sơ sinh: đây là loại xét nghiệm di truyền phổ biến nhất. Tại Hoa Kỳ, tất cả các tiểu bang đều yêu cầu trẻ sơ sinh phải được kiểm tra các bất thường về bệnh di truyền và các bệnh chuyển hóa. Loại xét nghiệm di truyền này rất quan trọng vì nếu kết quả cho thấy trẻ có rối loạn như suy giáp bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm hoặc phenylketon niệu (PKU) thì việc chăm sóc và điều trị cho trẻ có thể được thực hiện ngay lập tức.
Xét nghiệm di truyền trước làm tổ (Pre-implantation genetic testing – PGT) là kỹ thuật được sử dụng trong y học sinh sản để xác định những bất thường về mặt gen di truyền ở các phôi (ít phổ biến hơn là thể cực của trứng) được tạo ra qua quá trình thụ tinh ống nghiệm.
Xét nghiệm ADN (giám định ADN, thử ADN) là một loại xét nghiệm sinh học phân tử thông qua việc phân tích dữ liệu gen nhằm một mục đích cụ thể như kết quả xét nghiệm ADN huyết thống, xác định danh tính cá nhân, tìm người thân thất lạc. Loại xét nghiệm có phần đặc biệt này không quá mới mẻ tại Việt Nam vì từ lâu nó đã được sử dụng trong khoa học hình sự để truy tìm thủ phạm, xác nhận hoặc phủ nhận một bằng chứng sinh học, xác định danh tính nạn nhân...
Từ sự phát triển của sinh học ta có thể thấy rằng, sự phong phú của thế giới không phải là sự bày ra lộn xộn của các sự vật, hiện tượng, không phải là sự sáng tạo ra một cách tuỳ tiện của một lực lượng siêu nhiên nào đó, mà là một thể thống nhất trong đó các sự vật, hiện tượng luôn có mối quan hệ tất yếu với nhau, là điều kiện tồn tại cho nhau, luôn được sinh ra phát triển và mất đi theo một logic nhất định, theo những quy luật khách quan vốn có của thế giới vật chất. Và trải qua quá trình hoạt động, nghiên cứu khoa học sinh học ứng dụng cho y dược học, cùng với sự phát triển của tri thức khoa học, các phương pháp tư duy khoa học cũng được hình thành, phát triển giúp nhận thức lý tính của con người ngày càng sâu sắc. Nhận thức lý tính phát triển làm cho ý thức về y- dược càng trở nên năng động sáng tạo hơn.
3. Vai trò của thế giới quan và phương pháp luận của triết học về tự chủ bệnh viện công ở Việt Nam
Một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới cơ chế quản lý phù hợp với bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đó là từng bước cải cách phương thức tài chính công theo hướng phát huy tính tự chủ và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), phát huy mọi khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao [3]. Chủ trương này đã được thể chế hóa bằng các Nghị định của Chính phủ về đổi mới cơ chế tài chính bắt đầu từ Nghị định 10/2002/ NĐ-CP, ban hành ngày 16/01/2002 về việc thực hiện tự chủ tài chính đối với tất cả các đơn vị sự nghiệp có thu, trong đó có các đơn vị sự nghiệp ngành y tế, sau đó được thay thế bằng Nghị định 43/2006/NĐ-CP, ban hành ngày 25/4/2006 về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính trong các đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng.
Nguồn thu tài chính của bệnh viện tăng lên qua các năm: việc thực hiện tự chủ tài chính đã tạo điều kiện cho bệnh viện chủ động hơn về thu chi tài chính, các đơn vị có thể tự cân đối, điều tiết các khoản mục chi một cách linh hoạt. Với phương thức cấp phát ngân sách tổng (global budget), ổn định trong vòng 3 năm cho nên các đơn vị cũng chủ động trong các hoạt động chi tiêu không phải gò bó theo các khoản mục như trước đây. Kết quả khảo sát tình hình thực hiện Nghị định 43 trong hệ thống bệnh viện công lập của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế và Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Y tế, năm 2010 cho thấy tổng nguồn thu của các BV các tuyến tăng nhanh qua các năm, trong đó mức tăng chủ yếu từ nguồn thu viện phí và BHYT (Năm 2008, BV thực hiện tự chủ toàn phần tăng 1,8 lần, tại BVTW tăng gần 3 lần; BV tuyến tỉnh tăng 2,9 lần; BV tuyến huyện tăng 2,5 lần so với năm 2005)
Các đơn vị chủ động hơn trong việc sử dụng các nguồn tài chính. Do được giao quyền chủ động trong việc sử dụng ngân sách chi thường xuyên và các nguồn thu, nên các đơn vị đã chủ động điều tiết các khoản chi hợp lý và hiệu quả hơn. Có sự khác biệt lớn trong cơ cấu chi của bệnh viện các tuyến, chi cho con người có xu hướng tăng lên đối với tất cả bệnh viện thuộc các tuyến (số chi tuyệt đối) năm 2008 so với năm 2005 (BV tuyến tỉnh là 2,7 lần, BVTW là 1,9 lần, bệnh viện huyện là 1,8 lần; nhóm bệnh viện tự chủ toàn có mức tăng không đáng kể chỉ tăng gấp 1,2 lần so với năm 2005).
Thu nhập của các cán bộ công nhân viên được cải thiện. Từ khi thực hiện tự chủ tài chính, thu nhập của các cán bộ công nhân viên được cải thiện rõ rệt. Cơ chế trả lương và thu nhập tăng thêm đã chú ý đến hiệu suất công việc và trình độ năng lực cán bộ. Khi thực hiện tự chủ, thu nhập tăng thêm của CBCNV tăng lên đáng kể so với năm trước khi thực hiện (năm 2008 tăng 1,7 lần ở BV tuyến TW; tăng gấp 3 lần ở các BV tuyến tỉnh so với năm 2005)
Tăng cường huy động vốn và chủ động mở rộng đầu tư cơ sở vật chất và TTB. Việc thực hiện đầu tư liên doanh liên kết khá đa dạng trong các BV như: (1) Liên kết với các công ty đặt máy phân chia lợi nhuận; (2) Nhà đầu tư đặt máy và độc quyền cung ứng hóa chất và vật tư tiêu hao; (3) Cán bộ, nhân viên bệnh viện góp vốn. Bên cạnh hình thức LDLK, còn có 2 hình thức đầu tư TTB nữa là: (1) Thực hiện vay vốn ưu đãi từ ngân hàng đầu tư phát triển; (2) Hình thức thuê máy có thời hạn tuy nhiên không phổ biến. Trong đó phổ biến là các hình thức 1 và 2. Nhờ có chính sách này mà số lượng các TTB kỹ thuật cao (CT_Scan, MRI...) đều tăng lên sau khi thực hiện tự chủ, đặc biệt là các BV tuyến TW và các tỉnh/thành phố lớn. Có bệnh viện còn tăng đầu tư về quy mô và giá trị tài sản tại các BV có mức tự chủ mạnh (khu điều trị theo yêu cầu, khu chuyên sâu…)
Tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn và giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Hầu hết các BV thực hiện tự chủ đều có sự bố trí sắp xếp, điều chuyển, mở ra các loại hình dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân, do đó có sự thay đổi rõ rệt trong các hoạt động chuyên môn của BV. Kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Vụ Kế hoạch-Tài chính – Bộ Y tế năm 2010 cũng đã chỉ ra một số chỉ số phản ảnh sự thay đổi về mặt chuyên môn của BV. Đó là công suất sử dụng giường bệnh tăng (so năm 2008 so với năm 2005: tăng 25% tại các BV tự chủ toàn phần, 17% tại BVTW, 14% tại BV tuyến tỉnh, 16% tại tuyến huyện).
Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là một trong những giải pháp chiến lược đã được định hướng rất rõ trong Nghị quyết 46/NQ-TW, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đó là: “Kiện toàn đội ngũ CBYT cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu sắp xếp lại mạng lưới, mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu về CBYT phù hợp với quy hoạch phát triển ngành; chú trọng đào tạo cán bộ quản lý y tế, nhất là cán bộ quản lý bệnh viện; xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, NVYT; thực hiện việc luân chuyển cán bộ; khuyến khích thầy thuốc về công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn…” [6].
Hầu hết các đơn vị đã có sự thay đổi về bố trí sắp xếp bộ máy cũng như sử dụng hiệu quả hơn nguồn nhân lực hiện có. Các đơn vị đã chú ý đến các quyết định về phân bổ lao động, tuyển chọn cán bộ và ký kết hợp đồng với từng cá nhân. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, thúc đẩy đơn vị tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tuyển chọn nhân sự và chất lượng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ có khả năng quản lý đơn vị. Đồng thời, các đơn vị cũng đã chú trọng cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước; đào tạo vận hành các thiết bị máy móc kỹ thuật mới. Công tác đào tạo về năng lực quản lý, quản trị, kinh tế y tế và tài chính y tế bắt đầu được quan tâm hơn. Tuy nhiên, sự thiếu hụt trầm trọng về nhân lực chuyên môn ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và cơ chế phân bổ sắp xếp nhân lực giữa các tuyến hiện đang vấp phải những khó khăn, vướng mắc. Trên thực tế các đơn vị không được chủ động trong tuyển chọn biên chế, cắt giảm biên chế hay sa thải cán bộ, vì còn bị ràng buộc bởi nhiều các văn bản pháp luật khác đang tồn tại song hành với chính sách tự chủ tài chính, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Tự chủ và vấn đề y đức trong bệnh viện: Tự chủ và vấn đề y đức trong bệnh viện cũng đã được đề cập rất nhiều trong các báo cáo của Bộ Chính trị, của Chính phủ cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, vấn đề y đức trong ngành y tế được xác định là một trong những vấn đề trọng tâm được thể hiện trong Thông báo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai công tác y tế năm 2008, Thủ tướng đã nêu ra một số vấn đề trọng tâm, trong đó có vấn đề chất lượng nhân lực y tế và y đức, cụ thể là: “…Loại trừ các hành vi sách nhiễu, gây phiên phiền hà, thái độ vô cảm đối với người bệnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi đơn vị…”[12]. “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền” đã là những khẩu hiệu không thiếu ở tất cả các BV các tuyến và công tác giáo dục y đức cho CBYT được thực hiện thường xuyên tại các BV từ trước đến nay. Từ khi có chính sách tự chủ bệnh viện, công tác này càng được chú trọng hơn. Các BV thực hiện tự chủ đều có các chiến lược để thu hút bệnh nhân thông qua chất lượng, giá cả dịch vụ và thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Các BV tự chủ mạnh thu hút được nhiều bệnh nhân hơn so với các BV có mức tự chủ thấp hơn [10]. Việc thực hiện tự chủ tài chính đã làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở y tế công, kể cả khu vực y tế tư nhân về chất lượng, giá cả và phong cách phục vụ người bệnh. Tự chủ hoá cũng thúc đẩy việc đổi mới tư duy quản lý tài chính, phương thức hoạt động cũng như văn hóa ứng xử với người bệnh, tạo sự hài lòng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, chính những động cơ tăng thu nhập cho bệnh viện và thu nhập tăng thêm cho CBYT và mối quan hệ bất đối xứng giữa thầy thuốc và bệnh nhân có thể là những yếu tố nguy cơ dẫn đến y đức của nhân viên y tế và giá trị phúc lợi xã hội bị xói mòn. Tự chủ và vấn đề y đức bệnh viện, hiện nay chưa được quan tâm nghiên cứu đầy đủ, cần phải được nghiên cứu sâu hơn và nhìn nhận đánh giá cả hai phía từ góc độ người cung ứng và sử dụng dịch vụ y tế.
Chính sách giao quyền tự chủ cho các đơn vị công lập trong đó có bệnh viện được xem như một công cụ để nâng cao tính hiệu quả về kỹ thuật, trong việc cung cấp các dịch vụ y tế bằng cách tạo ra các động lực kinh tế mạnh mẽ hơn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và bằng cách củng cố thẩm quyền của các nhà quản lý trong các cơ sở y tế. Sau 20 năm thực hiện tự chủ bệnh viện theo Nghị định 10 và Nghị định 43 tại các cơ sở dịch vụ y tế bước đầu đã thu được một số kết quả nhất định trong việc đảm bảo tự chủ về tài chính, nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy biên chế, đổi mới cơ chế quản lý; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ; chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách; chủ động trong chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế, đội ngũ chuyên gia, y, bác sĩ có tay nghề cao qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cung ứng dịch vụ y tế.
Qua đó ta thấy được sự phát triển của Y- dược sẽ luôn gắn với bối cảnh thực tế, sự vận động và phát trển của phương thức sản xuất vật chất, về mối quan hệ gữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về mối quan hệ giữa quy luật khách quan của lịch sử và hoạt động có ý thức của con người.
Người viết: Võ Thị Ngọc Dung
Người duyệt: Nguyễn Thị Thuỳ Trang
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: