BIẾN THỂ COVID-19 MỚI – BOM NỔ CHẬM
Biến thể nCoV kháng vaccine hoặc siêu lây nhiễm được giới khoa học ví như "bom nổ chậm", khiến các nước nhanh chóng phong tỏa và hạn chế đi lại.
Tháng 12/2020, khi các loại vaccine lần lượt được phê duyệt mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch, nCoV một lần nữa biến đổi, trở nên dễ lây nhiễm hơn. Anh và Nam Phi phát hiện hai biến thể chiếm ưu thế, là B.1.1.7 và 501.V2.
Thực tế, virus luôn đột biến, nhưng thường không gây tác động đáng kể. Người ta quan tâm nhiều hơn đến việc B.1.1.7 và 501.V2 có kháng được vaccine hay gây bệnh nặng hơn không.
Nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng B.1.1.7 không đủ khả năng làm nặng thêm các triệu chứng. Cũng chưa có bằng chứng cho thấy 501.V2 khiến người bệnh dễ tử vong hay chuyển nặng. Giới chức y tế liên tục trấn an người dân bằng những biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa biên giới.
Song các nhà khoa học cho rằng các biến thể mới nCoV đáng lo hơn trước đây, có thể là một thảm họa tiềm tàng hay ‘quả bom bổ chậm’, theo Zeynep Tufekci, giáo sư Đại học North Carolina, Mỹ.
Ở giai đoạn này, biến thể dễ lây lan thậm chí nguy hiểm hơn biến thể có độc lực cao. Trong một số trường hợp, B.1.1.7 và 501.V2 có thể khiến lượng ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát dịch toàn cầu, gây áp lực lên hệ thống y tế vốn đã quá tải. Trong khi đó virus có độc lực mạnh chỉ tác động lên người bệnh.
Khả năng lây truyền cao của virus tàn phá các quốc gia trong khoảng thời gian rất ngắn, đặc biệt với một số nơi như Mỹ, Ấn Độ, vốn đã để dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát từ trước.
Theo giáo sư Tufekci, nhà chức trách nên quan tâm đến tác động ngắn hạn trong khi chờ đợi các dữ liệu rõ ràng hơn. Một số chuyên gia khác có cùng quan điểm trên.
Để hiểu rõ sự khác biệt giữa rủi ro của biến thể lây lan nhanh và biến thể có độc lực mạnh hơn, Adam Kucharski, giáo sư tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, đưa ra hai kịch bản.
Một là virus tăng độc lực lên 50%, hai là virus tăng khả năng lây nhiễm lên 50%. Lấy hệ số lây nhiễm là 1,1 (tức một người bệnh có thể lây cho 1,1 người khác) và tỷ lệ tử vong 0,8%.
Tiếp theo, hình dung khoảng 10.000 người mắc Covid-19 trong cùng thời điểm - con số hoàn toàn hợp lý đối với nhiều thành phố châu Âu hiện nay.
Với các yếu tố đó, thông thường, mỗi tháng sẽ khoảng 129 người chết. Khi độc lực của biến thể virus tăng 50%, ca tử vong tăng lên 193. Trong trường hợp khả năng lây nhiễm tăng 50%, số người chết là 973, gấp 5 lần.
Quá trình virus lây lan trong cộng đồng có thể rất nhanh chóng, trở thành mối đe dọa lớn đối với xã hội vì nó làm thay đổi đáng kể lượng bệnh nhân.
Giáo sư Tufekci cũng lo ngại các tin tức về biến thể virus được đăng tải tràn lan. "Các cảnh báo có tính chất kích động, phóng đại khiến cho việc phân biệt mối đe dọa thực sự với tin tức giật gân trở nên khó khăn hơn", bà chia sẻ.
Trevor Bedford, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, chỉ ra rằng số ca nhiễm biến thể mới tại Anh đang tăng rất nhanh. Các bệnh nhân cũng có lượng virus trong cơ thể lớn.
Trong khi đó, biến thể 501.V2 ở Nam Phi được cho là đáng ngại hơn vì kháng được vaccine, trốn tránh hệ miễn dịch và tạo ra các kết quả âm tính giả khi xét nghiệm PCR.
Biến thể 501.V2 của Nam Phi mang ba đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene - nơi tạo ra protein gai dùng để gắn vào tế bào người. Đột biến N501Y xuất hiện trong biến thể B.1.1.7 ở Anh, song hai đột biến còn lại thì không. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus.
"Như vậy, nó giúp nCoV vượt qua hàng rào miễn dịch sinh ra bởi vaccine", Francois Balloux, giáo sư sinh học, Đại học College London, cho biết.
Biến thể Nam Phi lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó đã xuất hiện và lưu hành kể từ tháng 8, sau đó lan rộng khắp khu vực, bao gồm Cape Town - một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Biến thể của Anh được tìm thấy lần đầu vào tháng 9/2020, nhanh chóng lây lan khắp đất nước vào giữa tháng 12, khiến chính phủ phải áp đặt lệnh hạn chế di chuyển và kinh doanh.
Khi các ca nhiễm biến thể B.1.1.7 xuất hiện ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đặt mục tiêu giải trình tự 6.500 mẫu virus mỗi tuần, gấp đôi so với tiến độ trước đó là 3.000 mẫu.
Reuters dẫn lời cảnh báo hôm 15.1 từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), biến thể COVID-19 mới của Anh, còn gọi là B117, được cho là có khả năng lây lan cao gấp đôi so với chủng virus hiện tại đang lưu hành ở Mỹ và có thể sẽ thống trị ở Mỹ vào tháng 3.2021. Cho đến nay, có 76 người từ 10 tiểu bang của Mỹ đã bị nhiễm biến thể virus Vương quốc Anh.
Theo báo cáo hàng tuần của CDC về các ca bệnh và ca tử vong, sự lây lan nhanh chóng của biến thể sẽ làm tăng gánh nặng cho các nguồn lực y tế vào thời điểm các ca lây nhiễm mới đang gia tăng, tiếp tục bào mòn nguồn lực y tế vốn đang căng thẳng và làm tăng nhu cầu tuân thủ tốt hơn các chiến lược giảm thiểu lây lan như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
CDC cũng cho biết, biến thể mới rất dễ lây lan này đòi hỏi phải gia tăng tỉ lệ dân số cần được tiêm phòng vaccine COVID-19 để đạt được miễn dịch cộng đồng, kiểm soát đại dịch.
Các quan chức y tế Mỹ viết: "Khả năng lây truyền cao của biến thể B117 đòi hỏi việc thực hiện nghiêm ngặt các chiến lược y tế công cộng để giảm lây truyền và giảm tác động tiềm tàng của B117, dành thời gian quan trọng để tăng tỉ lệ tiêm chủng".
Biến thể, bao gồm một số đột biến di truyền, làm cho virus có nhiều khả năng lây truyền từ người sang người hơn. CDC cho biết, những đột biến này được cho là không gây ra bệnh nặng hơn, nhưng tốc độ lây truyền cao hơn sẽ có nghĩa là nhiều trường hợp mắc hơn và nhiều ca tử vong hơn.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: