1. Chế độ ăn đầy đủ calci và vitamin D:
Duy trì đầy đủ calci và vitamin D là liệu pháp an toàn và rẻ tiền nhất giúp giảm nguy cơ gãy xương. Những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy việc kết hợp bổ sung calci và vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương.
Calci: Mỗi các nhân cần đạt đủ lượng calci hàng ngày (ít nhất là 1200mg/ ngày, bao gồm cả việc bổ sung nếu cần thiết). Nghiên cứu của chúng tôi trên phụ nữ Việt Nam sau mãn kinh cho thấy mức tiêu thụ calci trung bình chỉ có 683mg/ ngày, rất thấp so với nhu cầu cần thiết tối thiểu là 1200mg/ngày. Duy trì đủ lượng calci suốt đời rất cần thiết cho việc đạt được mật độ xương đỉnh và duy trì xương sau đó. Khoảng 99% calci được dự trữ trong xương, khi lượng calci hấp thu không đủ, calci sẽ "bài tiết" từ xương vào máu để duy trì nồng độ calci trong máu ở mức ổn định. Hệ quả là dẫn đến lực xương bị suy giảm và tăng nguy cơ gãy xương. Các tổ chức khoa học quốc tế khuyến cáo rằng đối với phụ nữ trên 50 tuổi, lượng calci tối thiểu cần thiết hằng ngày là 1200mg. Lượng calci hằng ngày không nên vượt quá 1200mg đến 1500mg, vì có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và bệnh lý tim mạch. Nam giới và nữ giới trên 50 tuổi cần ăn uống khoảng 600-700mg calci/ bữa ăn hằng ngày. Việc gia tăng lượng calci hằng ngày qua thực phẩm là lựa chọn ưu tiên, tuy nhiên bổ sung calci bằng thuốc viên cũng có thể là một lựa chọn khác nếu chế độ ăn uống thiếu calci.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của xương. Vitamin D giúp hấp thu calci có hiệu quả, tăng lực của cơ, giữ thăng bằng và giảm nguy cơ ngã. Lượng vitamin D hằng ngày cần là từ 800-1000 IU đối với người trưởng thành và người trên 50 tuổi. Lượng vitamin D này giúp duy trì nồng độ 25(OH)D ở người trưởng thành đạt mức mong muốn là >= 30ng/ml (>= 75 nmol/L). Nguồn vitamin D chủ yếu từ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khoảng 90-95% vitamin D hấp thu mỗi ngày là từ ánh nắng mặt trời, phần còn lại là từ thức ăn. Vì vậy, không ngạc nhiên khi tỷ lệ thiếu vitamin D ở những xứ lạnh lên đến 80-100%. Tuy nhiên, không chỉ ở xứ lạnh mà ngay cả những vùng nắng nóng quanh năm như Đông Nam Á tỉ lệ này cũng là 30-50%. Nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa hè chỉ cần phơi nắng trong vòng vài phút, cơ thể đã sản xuất được trung bình 10000IU vitamin D. Trong khi đó, thực phẩm chúng ta dùng hằng ngày chứa rất ít vitamin D. Bên cạnh sữa, các loại cá giàu chất dầu như cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá trích có lượng vitamin D cao hơn những cá khác. Nấm phơi khô cũng chứa vitamin D. Nhưng sữa, cá và nấm trên đây cũng chỉ cung cấp khoảng 400-500IU vitamin D tùy vào liều lượng ăn uống. Ngũ cốc chỉ chứa khoảng 40-50IU/ mỗi khẩu phần ăn. Do đó, ở những vùng nhiệt đới, nên tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời làm nguồn cung cấp vitamin D, riêng ở những vùng thiếu ánh nắng, cần bổ sung viên vitamin D. Bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ thiếu vitamin D bao gồm những bệnh nhân có bệnh lý kém hấp thu và bệnh lý thận mạn, những bệnh nhân ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nồng độ 25(OH)D trong huyết thanh nên được đo đối với các bệnh nhân có nguy cơ thiếu vitamin D và nên bổ sung lượng vitamin D cho các bệnh nhân này.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: