Tiêm thuốc trực tiếp vào mạch máu không có bước hấp thu, vì vậy các yếu tố sinh lý không có tác động gì tới sự hấp thu dược chất như khi tiêm bắp hay tiêm dưới da. Thời gian tác dụng của thuốc phụ thuộc vào thời gian bán thải của dược chất và liều thuốc đã tiêm và thường rất ngắn. Nếu muốn duy trì nồng độ dược chất trong máu ở mức nồng độ điều trị phải áp dụng tiêm nhỏ giọt tĩnh mạch liên tục.
Đối với các thuốc tiêm dưới da hay tiêm bắp, dược chất phải qua hấp thu vào tuần hoàn máu. Nồng độ dược chất đạt được trong máu thường thấp hơn so với khi tiêm tĩnh mạch (cùng liều tiêm) nhưng lại duy trì được nồng độ dược chất trong máu lâu hơn. Mức độ và tốc độ hấp thu dược chất từ chỗ tiêm vào tuần hoàn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố sinh học thuộc về người dùng thuốc, mà trước hết là mức độ tưới máu đến chỗ tiêm thuốc.
Khi tuổi càng cao, mô mỡ càng giảm về và hệ số thanh thải của gan, thận đều giảm nên tuổi của người bệnh có ảnh hưởng lớn đến hấp thu và thải trừ dược chất khi tiêm thuốc. Người già có mô mỡ giảm, làm giảm thời gian lưu thuốc tại mô, nhất là đối với dược chất có hệ số phân bố D/N cao, nên sinh khả dụng thường cao hơn so với người trẻ. Trẻ sơ sinh, trẻ em có tổng lượng nước cao hơn so với cân nặng nên có thể tích phân bố (Vd) lớn, nồng độ dược chất trong máu thường thấp hơn so với người lớn nếu tính liều theo mg/kg cân nặng. Do vậy, cần thận trọng khi sử dụng thuốc tiêm cho các đối tượng này.
Các bệnh nhân suy tim lưu lượng máu tưới tới các cơ bị giảm do đó mức độ và tốc độ hấp thu thuốc sau khi tiêm bắp ở các bệnh nhân này thường bị giảm.
Tóm lại, tùy theo mong muốn dược chất từ liều thuốc tiêm sẽ được hấp thu nhanh hay chậm, tùy thuộc vào thể tích thuốc cần tiêm, tùy thuộc vào khoảng liều, tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật, tuổi và giới tính của bệnh nhân mà xác định đường tiêm, vị trí tiêm cho thích hợp để phát huy tác dụng điều trị của dược chất một cách tốt nhất.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: