1. Cam thảo dây (Abrus precatorius L.), còn gọi làDây cườm cườm, Dây chi chi.
- Đặc điểm thực vật: Cây leo với cành nhánh nhiều và mảnh. Lá kép lông chim chẵn gồm 9-11 cặp lá chét thuôn, tù, màu lục sẫm. Hoa nhiều, nhỏ, màu hồng hay tím nhạt, có tràng hoa dạng bướm, xếp thành chùm ở nách lá. Quả đậu dẹt, có 3-7 hạt. Hạt hình trứng, nhẵn bóng, to bằng hạt đậu gạo, màu đỏ chói, có một đốm đen rộng bao quanh tễ. Mùa hoa quả tháng 3-6 trở đi đến tháng 9-10. Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất (Herba Abri precatorii)
- Phân bố: Loài cây liên nhiệt đới, mọc hoang trong các rừng còi, rừng thưa vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng. Ở nước ta, thường gặp nhiều ở các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận. Cüng thường được trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi.
- Thu hái: Trồng được 3 tháng đã có thể thu hoạch dây lá. Cắt các đoạn dây mang lá, quấn lại thành bó rồi phơi khô. Thu hái rễ vào mùa xuân-hè; thu hoạch quả vào mùa thu rồi phơi khô, đập lấy hạt.
- Công dụng: thường dùng dây lá Cam thảo dây để điều hoà các vị thuốc khác, dùng chữa ho, giải cảm, trị hoàng đản do viêm gan siêu vi trùng. Có thể dùng thay Cam thảo bắc. Thường phối hợp với các vị thuốc khác. Người ta còn dùng lá Cam thảo dây nhai với muối và nuốt nước để chữa chứng đánh trống ngực. Hạt chỉ dùng ngoài để sát trùng, tiêu viêm, làm mụn nhọt chóng vỡ mủ (giã nhỏ đắp); tốt nhất là trị vú sưng đau do tắc tia sữa: người ta lấy một lượng vừa đủ, giã nát, nghiền thành bột, trộn với dầu mè bôi và đắp ngoài.
Cam thảo dây (Abrus precatorius L.)
2. Rau đắng biển (Bacopa monnieri L.), còn gọi là Rau sam đắng hay rau sam trắng.
- Đặc điểm thực vật: Đây là loài cây thân thảo sống dai, mọc bò, thân nhẵn mang rễ, dài 10 - 40cm, mang những cành mềm mọc đứng. Lá mọc đối không cuống, hình thuôn, tù, dài 8 - 12mm, rộng 3 - 5mm. Hoa mọc riêng lẻ màu trắng. Quả nang hình trứng, nhẵn, hạt nhỏ, có góc cạnh. Mùa hoa khoảng tháng 4 - 6.
- Phân bố:Cây phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, gặp ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào , Thái Lan, … Cây mọc ở nhiều vùng của Việt Nam.
- Thu hái: Cây được thu hái hoang dại hay được trồng. Thu hái phần trên mặt đất, phơi khô.
- Công dụng: Cây được coi là một dược liệu quý trong y học cổ truyền Ấn Độ. Nó được dùng trong rất nhiều bài thuốc cổ truyền để điều trị hen suyễn, khản tiếng, mất trí nhớ, động kinh và cũng được xem như là thuốc bổ thần kinh, tim và thuốc lợi tiểu.
Rau đắng biển (Bacopa monnieri L.)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: