Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm nên hệ thực vật vô cùng phong phú và đa dạng. Đáng chú ý là nhóm cây thuốc – nhóm cây trực tiếp phục vụ nhu cầu chữa bệnh của con người. Bài viết này giới thiệu hai cây thuốc tiêu biểu thuộc họ Sim (Myrtaceae).
1. Vối (Cleistocalyx operculatus Roxb.)
- Đặc điểm thực vật: Cây vối thường cao chừng 5 – 6 m, đường kính của cây có thể lên đến 50cm. cuống lá dài 1- 1,5 cm. Phiến lá cây vối dai, cứng. Hoa vối gần như không cuống, màu lục nhạt, trắng. Quả vối hình trứng, đường kính 7 – 12 mm khi chín có màu tím sậm, có dịch. Lá, cành non và nụ vối đều có mùi thơm dễ chịu đặc biệt của vối.
- Phân bố: cây mọc nhiều ở các nước nhiệt đới của châu Á. Ở Việt Nam, cây vối mọc hoang hoặc trồng, có nhiều ở miền Bắc.
- Thành phần hoá học: Lá chứa ít tanin, những vết alcaloid (thuộc nhóm indolic) gần gũi với cafein và một lượng tinh dầu (4%) bay hơi, thơm. Các bộ phận khác nhau của cây còn chứa các sterol, các chất béo, tanin catechic và gallic. Lá và nụ chứa acid triterpenic.
- Bộ phận dùng: nụ hoa, vỏ thân, lá
- Tác dụng dược lý:
+ Lá vối có tác dụng sát khuẩn, dùng trị liệu các bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt
+ Nụ vối có thể hỗ trợ phòng và điều trị chứng tiểu đường.
+ Ngoài ra, nụ vối có khả năng triệt tiêu các gốc tự do, chống ô xy hóa mạnh.
2. Tràm (Melaleuca leucadendron L.)
- Đặc điểm thực vật: Cây gỗ nhỏ cao tới 10m, có nhánh không đều mà vỏ tách ra thành mảng mỏng. Lá mọc so le, có cuống ngắn, hình dài ngọn giáo, có khi hơi hình lưỡi liềm nhọn ở đầu, dài 4-8cm, rộng 10-20mm. Hoa nhỏ, màu trắng vàng, không cuống xếp thành bông ở ngọn cành, phía trên đó vẫn có chồi tạo ra các lá. Quả rất cứng, dạng quả nang, có 3 ô, tròn, có đường kính 15mm, cụt, nằm trong đài dạng đấu cứng. Hạt hình trứng hay dạng góc, dài khoảng 1mm.
- Phân bố: cây mọc hoang nhiêu nơi ở Việt Nam, đặc biệt là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
- Thành phần hoá học: chủ yếu là tinh dầu,với tỷ lệ 2,5%( tính trên lá tưoi), hoặc 2,25% (tính trên lá khô). Tinh dầu tràm là một chất lỏng không màu hay hơi vàng nhạt (một số có màu xanh là do nhuộm chứ không phải màu tự nhiên), vị hơi mùi thơm đặc biệt. Nếu tinh chế thì tinh dầu trong, hầu như không màu.
- Bộ phận dùng: lá, vỏ
- Tác dụng dược lý: an thần, trấn kinh, giảm đau
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Tất Lợi (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
2. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Hà Nội, Việt Nam: Nhà xuất bản Y Học.
Người viết: Nguyễn Thị Thu
Người duyệt: Nguyễn Công Kính
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: