Bổ sung kẽm là một biện pháp can thiệp quan trọng để điều trị các đợt tiêu chảy ở trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng kẽm cùng với các dung dịch/muối bù nước đường uống có độ thẩm thấu thấp (ORS) có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các đợt tiêu chảy trong tối đa ba tháng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF khuyến nghị bổ sung 20 mg kẽm hàng ngày trong 10 – 14 ngày cho trẻ bị tiêu chảy cấp và 10 mg mỗi ngày cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, để giảm mức độ nghiêm trọng của đợt bệnh và ngăn ngừa các đợt tái phát tiếp theo do đó làm giảm tỷ lệ mắc bệnh đáng kể.
Cơ chế tác dụng của kẽm trong bệnh tiêu chảy
Một nghiên cứu của Hoque KM và cộng sự đã chứng minh rằng kẽm ức chế cAMP, ức chế sự bài tiết chất lỏng phụ thuộc vào clorua bằng cách ức chế các kênh kali (K) trong các nghiên cứu invitro với hồi tràng của chuột. Kẽm cũng cải thiện sự hấp thụ nước và chất điện giải, cải thiện quá trình tái tạo biểu mô ruột, tăng mức độ hoạt động của các enzym và tăng cường phản ứng miễn dịch, cho phép loại bỏ mầm bệnh tốt hơn. Một báo cáo khác gần đây đã cung cấp bằng chứng rằng kẽm ức chế bệnh tả do độc tố gây ra. Như vậy, Kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sức đề kháng của vật chủ đối với các tác nhân truyền nhiễm và làm giảm nguy cơ, mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh tiêu chảy. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong metallo-enzyme, polyribosome, màng tế bào và chức năng của tế bào, điều này cho thấy Kẽm đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của tế bào và trong chức năng của hệ thống miễn dịch.
Bổ sung kẽm làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian tiêu chảy
Một nghiên cứu đã kiểm tra giả thuyết rằng việc bổ sung kẽm hàng ngày có ảnh hưởng đến diễn biến lâm sàng của bệnh tiêu chảy cấp tính, đó là tần suất đi ngoài, lượng phân và thời gian tiêu chảy cấp tính ở 117 trẻ em từ 6 đến 59 tháng tuổi. Giảm tần suất đại tiện mỗi ngày là 62% ở nhóm bổ sung kẽm và giảm 26% ở nhóm bổ sung giả dược, với sự khác biệt rõ ràng là 36% giữa hai nhóm từ ngày 1 đến ngày 3 và ngày 5, được tìm thấy là có ý nghĩa thống kê. Tương tự như vậy, một sự khác biệt đáng kể đã được quan sát thấy đối với việc giảm lượng phân mỗi ngày từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 3 và ngày thứ 5, với sự khác biệt rõ ràng là 45% giữa các nhóm nghiên cứu. Một phân tích tổng hợp của 12 nghiên cứu đã xem xét tác động của việc bổ sung kẽm đối với việc kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp, 11 nghiên cứu trong số đó cho thấy thời gian của đợt tiêu chảy giảm. Trong đó, có 8 nghiên cứu cho thấy mức giảm có ý nghĩa thống kê. Năm trong số các nghiên cứu này cũng thu thập dữ liệu về khối lượng và tần suất phân, và phát hiện ra rằng chất bổ sung kẽm làm giảm lượng và tần suất phân. Dữ liệu cho thấy việc bổ sung kẽm có tác động đáng kể và có lợi đối với quá trình lâm sàng của bệnh tiêu chảy cấp, làm giảm cả thời gian và mức độ nghiêm trọng của nó. Một phân tích tổng hợp khác của 18 thử nghiệm với 6165 người tham gia cho thấy rằng trong tiêu chảy cấp tính, kẽm có vai trò giảm thời gian bị tiêu chảy.
Sử dụng kẽm đường uống mang lại lợi ích đáng kể trong việc giảm lượng phân, tần suất và thời gian tiêu chảy. Vì vậy, có thể kết luận rằng bổ sung kẽm bằng đường uống là một can thiệp điều trị đơn giản và hiệu quả trong việc kiểm soát tiêu chảy cấp.
Người viết: Th.S. Võ Thị Hải Phượng
Người duyệt: TS. Hà Hải Anh
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: