Đoàn công tác chúng tôi tới Đông Giang không phải với mục đích du lịch, mà để thực hiện một mục tiêu nghiên cứu liên quan đến Dân tộc thực vật học (Ethnobotany).
Từ trụ sở trường Đại học Duy Tân, thành phố Đà Nẵng, chúng tôi dọc theo tuyến tỉnh lộ ĐT604 ngược lên Dốc Kiền, đi sâu vào khu vực của người dân tộc thiểu số. Điểm đến của chúng tôi là ở xã Ating, nơi có tới hơn 90% là đồng bào Cơ Tu sinh sống từ lâu đời.
Trên tuyến đường, xung quanh chỉ toàn rừng núi và đèo dốc. Càng vào sâu phía trong, khung cảnh biến đổi từ những cánh rừng trồng theo quy hoạch tới những cánh rừng nguyên sinh đầy vẻ hoang dã.
Khi sắp tới mục tiêu cần đến, chúng tôi nhìn thấy một ngôi làng xinh đẹp mang đậm dấu ấn của người Cơ Tu ở ngay ven đường. Cũng trùng hợp với thời điểm nghỉ ngơi, chúng tôi quyết định ghé thăm ngôi làng này với mục đích tìm hiểu kỹ hơn các nét văn hóa của người dân bản địa.
Địa điểm dừng chân có tên là Thôn Bhờ Hôồng, thuộc xã Sông Côn - Đông Giang. Đón tiếp chúng tôi là một nhóm các ông bà lớn tuổi đang mặc những bộ đồ lễ hội của người Cơ Tu. Các ông bà nói chuyện tự nhiên, thân thiện, vui vẻ, chia sẻ và giới thiệu cho chúng tôi những nét đặc sắc, những lễ hội chính và những địa điểm đáng tham quan nhất trong làng. Biết được chúng tôi đến từ khoa Dược - trường ĐH Duy Tân, có cụ còn dẫn vào trong các khu vườn đang ươm trồng những loại cây thuốc hay dùng của người Cơ Tu để giới thiệu.
Chuyến ghé thăm của chúng tôi diễn ra tình cờ và cũng hết sức nhanh chóng. Nhưng dấu ấn để lại đối với từng thành viên trong đoàn là không hề nhỏ. Có lẽ những dấu ấn đó đã góp phần lớn, tiếp sức cho đoàn chúng tôi nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Trong suốt chuyến về, chúng tôi đã bàn bạc với nhau: "Khi nào có điều kiện đi du lịch Đông Giang, mình sẽ quay lại ngôi làng xinh đẹp này một lần nữa".