Bản tin Dược liệu số 3/2015: Cây gấc
TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM CỦA MỘT SAPONIN TRITERPENOID PHÂN LẬP TỪ HẠT GẤC TRÊN MÔ HÌNH GÂY VIÊM ĐẠI THỰC BÀO KÍCH HOẠT BỞI LIPOPOLYSACCHARID (LPS) Jung K. và cs. Immunopharmacology and Immunotoxicology, 2013, 35(1): 8-14 Hai saponin nhóm triterpenoid được phân lập từ hạt của cây gấc (Momordica cochinchinensis Spreng., họ bầu bí Cucurbitaceae) và được xác định công thức hóa học bằng việc phân tích các phổ 1H- và 13C-NMR và sắc ký khí (GC). Một trong hai saponin là chất mới lần đầu tiên được biết có trong tự nhiên, được xác định là gypsogenin-3-O-β-D-galactopyranosyl (1→2)-[α-L-rhamnopyranosyl(1→3)] -β-D-glucuronopyranosid (chất số 1). Chất số 2 là một glycosid của acid quillaic, được xác định là quillaic acid-3-O-β-D-galactopyranosyl (1→2)-[α-L-rhamnopyranosyl (1→3)]-β-D-glucuronopyranosid. Chất số 2có tác dụng chống viêm khi thử trên tế bào RAW 264.7 (đại thực bào chuột) bị kích thích bởi lipopopysaccharid với cơ chế được xác định là ức chế sự tạo thành nitric oxid (NO) và hoạt động của Interleukin 6 (IL-6) thông qua con đường ức chế yếu tố nhân NF-κB (Nuclear Factor-kappa B). P.T.Thương |
TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM LOÉT DẠ DÀY VÀ LÀM LÀNH VẾT THƯƠNG CỦA HẠT GẤC VÀ HOẠT CHẤT MOMORDICA SAPONIN I Jung K. và cs. Immunopharmacology and Immunotoxicology, 2013, 35(1): 126-132 Hạt gấc (Momordica cochinchinensis Spreng., họ bầu bí Cucurbitaceae) đã được biết có tác dụng làm giảm vết bỏng, viêm khớp sưng nóng đỏ đau, và trĩ. Trong nghiên cứu này các tác giả khảo sát xem cao chiết nước (chứa 10% cồn) từ hạt gấc có tác dụng chống viêm loét dạ dày trên mô hình chuột SD (Spague-Dawley rat) gây bệnh và khám phá cơ chế tác dụng bảo vệ dạ dày của cao chiết. Kết quả cho thấy, cao chiết hạt gấc có tác dụng bảo vệ mạnh khi so sánh với rebamipid trên mô hình gây viêm loét cấp trên chuột bởi cồn (ethanol) và diclofenac. Cao chiết cũng có tác dụng chống viêm loét khi thử trên mô hình gây loét mạn gây ra bởi vi khuẩn Helicobacter pylori. Cao chiết cũng cho tác dụng làm lành vết thương da và kích thích gen calcitonin liên quan đến peptid và thụ thể somatostatin, có thể liên quan đến tác dụng chống viêm loét dạ dày. Đánh giá độc tính cấp cho biết cao chiết không gây chết, thay đổi trọng lượng và sự phát triển của chuột SD ở các liều thử 500, 1000 và 2000 mg/kg, tuy nhiên có thấy trường hợp bị đi ngoài. Vì vậy, liều LD50 của cao chiết hạt gấc được xác định là >2000 mg/kg và liều an toàn (NOAEL - no observed adverse effect level) được xác định là 2000 mg/kg/ngày. Hoạt chất chính của cao chiết là saponin momordica I cũng làm giảm viêm cấp của niêm mạc dạ dày gây ra bởi cồn (ethanol) và diclofenac. Các kết quả thu được chứng minh rằng, cao chiết hạt gấc có thể sử dụng làm thuốc chống viêm loét dạ dày và saponin momordica I có thể được xem là hoạt chất của cao chiết. P. T. Thương |
ĐỒNG PHÂN HÓA VÀ SỰ GIA TĂNG HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA LYCOPEN TRONG GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS) BẰNG PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ NHIỆT KẾT HỢP PHỔ UV-VIS NHƯ MARKER Phan Thi H. và cs. Food chemistry, 2014, 156: 58-63 Momordica cochinchinensis (gấc) là một loại cây giàu lycopen. Sắc tố này tan tốt trong dầu và dễ bị phân hủy trong quá trình chiết xuất. Ảnh hưởng của nhiệt độ lên đồng phân cis của lycopen tan trong n- hexan được nghiên cứu ở nhiệt độ 50 và 80°C trong 240 phút cùng phổ UV-VIS, DAD-HPLC và thử TEAC. Toàn bộ dạng đồng phân trans ban đầu chuyển hóa thành dạng cis-13 nhanh hơn ở 80°C. Sau khi thử nghiệm, khoảng 16% lycopen chuyển thành dạng cis-9. Dạng đồng phân có hoạt tính chống oxy hóa tăng cao hơn khoảng 9% và tương đương khoảng nồng độ 2,4 đến 3,7μmol của Trolox. Điều này khẳng định có thể gia tăng hoạt tính sinh học của lycopen bằng việc kiểm soát nhiệt độ. Sự biến đổi tỷ lệ giữa dạng đồng phân cis và trans được tính toán dựa trên phổ UV-VIS của dạng đồng phân cis, kết quả cho thấy đây là một phương pháp đơn giản nhằm đánh giá dạng đồng phân của lycopen trong dung dịch. P.H.Bách |
SẮC TỐ CAROTENOID TRONG QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) Aoki H. và cs. Biosci Biotechnol Biochem, 2002, 66(11): 2479-2482 Thành phần carotenoid trong quả gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) được phân tích hàm lượng các chất beta-caroten, lycopen, zeaxanthin và beta-cryptoxanthin bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Lycopen được tìm thấy chủ yếu trong màng hạt gấc với hàm lượng lên đến 380 microg/g. Hàm lượng của lycopen trong màng hạt gấc cao hơn khoảng mười lần so với trong các loại trái cây và rau quả giàu chất lycopen khác, cho thấy gấc có thể là một nguồn lycopen mới và giá trị tiềm năng lớn. P.H.Bách |
HÀM LƯỢNG CAROTENOID TRONG GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) TẠI ẤN ĐỘ Bharathi L.K. và cs. Indian Journal of Horticulture, 2013, 70(2): 165-169 Gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) là cây bản địa ở vùng Đông và Đông Nam châu Á có chứa hàm lượng các sắc tố β-caroten và lycopen cao. Mặc dù Ấn Độ có sản lượng gấc trong tự nhiên rất lớn nhưng lại chưa có nghiên cứu nào về hàm lượng carotenoid tổng số và β-caroten. Hàm lượng carotenoid tổng số và β-caroten của các giống gấc đang trồng tại Ấn Độ được phân tích bằng phương pháp đo quang và sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Kết quả thu được, hàm lượng carotenoid tổng số và β-caroten trong các mẫu thay đổi tương ứng trong khoảng 716-832 mg/g và 133,28-141,17 mg/g. Kết quả thu được có sự khác nhau nhưng phù hợp với hầu hết các báo cáo trước đó. Từ giá trị dinh dưỡng của gấc ở địa phương, nghiên cứu này khẳng định thêm cần tuyên truyền người dân địa phương về lợi ích của trái cây kỳ diệu này. Đây là nguồn nguyên liệu tự nhiên góp phần chống thiếu vitamin A ở khu vực nông thôn và cung cấp nguyên liệu để sản xuất các chế phẩm có lợi cho sức khỏe. P.H.Bách |
ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ VÀ CHẤT BẢO QUẢN 1-MCP ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) Soe Win và cs. International Food Research Journal, 2015, 22(1): 178-189 Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố nhiệt độ và chất bảo quản 1-methylcyclopropen (1-MCP) trong quá trình tiền xử lý đến những biến đổi về các tính chất vật lý, sinh lý và thành phần hóa học, cũng như hoạt tính chống oxy hóa của quả gấc trong quá trình bảo quản. Các mức nhiệt độ được nghiên cứu bao gồm 4oC, 10oC và 13oC có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình chín, thay đổi về màu sắc và hàm lượng hoạt chất có trong quả gấc (các kết quả đều được đối chiếu với điều kiện ở 25oC). Tuy nhiên, với mẫu quả gấc được bảo quản ở 40C cho thấy xuất hiện sự tổn thương lạnh (bên ngoài và bên trong) vào ngày thứ 25 (tính từ ngày bắt đầu bảo quản). Nhiệt độ thấp có tác dụng làm giảm tính khử của các hợp chất phenolic, đồng thời cũng phát hiện khả năng chống oxy hóa của các mẫu gấc trong quá trình bảo quản bằng phương pháp FRAP (Chống oxy hóa bằng cách khử sắt). Chất bảo quản 1-MCP với nồng độ 500 nL/L có tác dụng nhẹ đến quá trình làm chậm sản sinh ra ethylen, đồng thời làm chậm sự mềm nhũn của quả gấc trong quá trình bảo quản ở 10oC. Tuy nhiên, 1-MCP không gây bất kì ảnh hưởng nào đến sự thay đổi về màu sắc vỏ, tính chất hóa lý và khả năng chống oxy hóa của quả gấc. N.T.H.Ly |
NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA TRONG CÁC PHẦN KHÁC NHAU (VỎ, THỊT, MÀNG HẠT VÀ HẠT) CỦA QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) TẠI THÁI LAN Jittawan Kubola và cs. Food Chemistry, 2011, 127: 1138–1145 Ba bộ phận khác nhau của quả gấc (gồm: vỏ, thịt và màng hạt) đã được phân tích thành phần hóa học (chủ yếu là các hợp chất lycopen, β-caroten, lutein và các hợp chất phenolic) và hoạt tính chống oxy hóa. Kết quả cho thấy, màng hạt gấc có chứa hàm lượng lycopen và β-caroten cao nhất, trong khi đó, vỏ quả chứa nhiều lutein nhất. Hai acid phenolic chính là: acid hydroxybenzoic và acid hydroxycinnamic, cũng được phát hiện và định lượng. Acid gallic và acid p-hydroxybenzoic được phát hiện trong tất cả các phần (vỏ, thịt, màng hạt). Acid ferulic và acid p-hydroxybenzoic là các thành phần quan trọng trong phần thịt quả gấc. Myricetin là flavonoid duy nhất tìm thấy trong tất cả các bộ phận sử dụng. Apigenin có mặt chủ yếu trong thịt quả (đỏ), trong khi rutin và luteolin có nhiều trong màng hạt. Dịch chiết các bộ phận khác nhau của quả gấc cũng thể hiện khả năng chống oxy hóa khác nhau trong cùng phương pháp thử. Dịch chiết màng hạt cho giá trị FRAP đạt cao nhất. Hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết vỏ và thịt quả cao nhất khi quả chưa chín, trong khi dịch chiết của phần hạt tăng dần cho đến khi quả chín. Hàm lượng phenolic tổng số và flavonoid tổng số của vỏ và thịt quả giảm dần trong quá trình chín của quả (quả chưa chín > quả chín) và kèm theo đó là sự giảm dần hoạt tính chống oxy hóa, ngoại trừ phần hạt quả gấc N.T.H.Ly |
ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA VÀ HÀM LƯỢNG CÁC THÀNH PHẦN LYCOPEN, β-CAROTEN VÀα-TOCOPHEROL TRONG QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINESIS SPRENG.) BẰNG SẮC KÝ LỎNG HIỆU NĂNG CAO (HPLC) Miran Jang và cs. Journal of International Scientific Publications: Agriculture and Food, 2014, 2, ISSN 1314-8591 Quả gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) là một loại trái cây nhiệt đới, vốn được biết tới là một loại quả chứa nhiều carotenoid và α-tocopherol. Trong nghiên cứu này, quả gấc được chia thành hai phần: phần thịt – có màu vàng cam và phần màng hạt – màu đỏ. Các dịch chiết thu được từ quả gấc được phân tích đồng thời hàm lượng các thành phần carotenoid và α-tocopherol bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Kết quả thu được cho thấy hàm lượng lycopen cao nhất trong cả hai phần màng hạt và thịt, nhưng trong màng hạt (846,84 µg/g) đạt cao gấp khoảng hai lần trong phần thịt (390,15 µg/g) của quả gấc. Mặt khác, hàm lượng β-caroten trong phần thịt (29,43 µg/g) thấp hơn 7 lần so với trong phần màng hạt (211,32 µg/g). Hàm lượng α-tocopherol trong màng hạt (252,15 µg/g) cũng cao hơn trong phần thịt (201,60 µg/g) của quả Gấc. Ngoài ra, các dịch chiết và thành phần hóa học chính của quả gấc (β-caroten, lycopen và α-tocopherol) cũng đã được đánh giá khả năng chống oxy hóa sử dụng các phương pháp thử DPPH và ABTS. Trong cả hai phương pháp này, kết quả thu được đều cho thấy rằng, dịch chiết từ màng hạt thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn dịch chiết từ phần thịt quả gấc. Hoạt tính chống oxy hóa của lycopen tương đương với α-tocopherol và mạnh hơn β-caroten. Tóm lại, gấc là một trái cây có chứa các chất có hoạt tính chống oxy hóa mạnh như β-caroten, lycopen và α-tocopherol, vì vậy, gấc hoàn toàn có thể được sử dụng trong bữa ăn hoặc trong các sản phẩm chức năng giúp ích cho sức khỏe con người. N.T.H.Ly |
NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP TIỀN XỬ LÝ VÀ TỶ LỆ CHẤT MANG ĐẾN HÀM LƯỢNG CAROTENOID TRONG BỘT GẤC QUÁ TRÌNH SẤY KHÔ Le Khac Lam Dien và cs. International Journal of Scientific & Technology Research, 2013, 2 (12), December Gấc là một loại quả theo mùa (ba tháng trong một năm), bắt đầu thu hoạch vào tháng chín và kéo dài cho đến tháng mười hai. Ở Việt Nam, cây gấc được trồng chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Thông thường, quả gấc được thu hái khi chúng đạt kích thước, khối lượng, màu sắc tối ưu nhất. Tuy nhiên, quá trình xử lý sau khi thu hoạch và vận chuyển kém sẽ làm giảm tuổi thọ của gấc. Sau khi thu hoạch, nếu không bảo quản tốt, chỉ sau khoảng một tuần, gấc sẽ nhanh chóng bị hỏng và không thể bán trên thị trường. Quả gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) chứa hàm lượng lớn các carotenoid, đặc biệt là β-caroten và lycopen, ngoài ra còn có α-tocopherol (vitamin E) với hàm lượng tương đối cao và các acid béo không no. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm tìm các điều kiện phù hợp cho quá trình tiền xử lý quả gấc. Ba phương pháp tiền xử lý được nghiên cứu gồm: Chần, chần trong dung dịch acid citric và hấp. Đồng thời, thực hiện khảo sát nhằm tìm ra tỷ lệ chất mang tối ưu nhất, sao cho hàm lượng carotenoid trong bột gấc được duy trì ổn định nhất (hạn chế quá trình oxy hóa của caroten trong khi sấy). Kết quả thu được cho thấy, phương pháp hấp trong khoảng 6 phút là phương pháp tốt nhất cho việc bảo vệ và duy trì hàm lượng carotenoid tổng số trong mẫu bột gấc, và chất mang tối ưu nhất được sử dụng là hỗn hợp hai thành phần maltodextrin/gelatin (0,5/0,5 - kl/kl) với tỷ lệ chất mang : gấc là 1:1 (kl/kl)… Tuy nhiên, đây mới chỉ là những nghiên cứu ban đầu, cần khảo sát thêm các yếu tố khác như: sự biến đổi hàm lượng caroten trong gấc trước và sau khi thu hoạch; sử dụng các chất mang khác như tinh bột gạo, gôm Arabic; và một số phương pháp sấy: sử dụng khí trơ, sấy lạnh, phun sấy với các chất mang khác nhau. N.T.H.Ly |
ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ LÊN HÀM LƯỢNG β-CAROTEN TRÍCH TỪ DẦU GẤC, BÍ ĐỎ VÀ LÊ-KI-MA Phạm Phước Nhẫn và cs. Tạp chí Khoa học, 2012, 22: 177-183 Gấc, bí đỏ và lê-ki-ma là những loài được trồng phổ biến ở Việt Nam và chứa nhiều β-caroten. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp chiết Soxhlet với dung môi là dietyl ete là phương pháp tốt nhất để ly trích dầu gấc so với phương pháp ngâm chiết với các dung môi hữu cơ khác. Phân tích hàm lượng b-caroten bằng phương pháp quang phổ cho kết quả đáng tin cậy. Hàm lượng β-caroten trong dầu gấc cao hơn trong bí đỏ và lê-ki-ma. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiệt độ làm giảm hàm lượng β-caroten có trong gấc, bí đỏ và lê-ki-ma. Nếu thời gian đun nấu càng lâu sẽ làm mất đáng kể hàm lượng tiền chất vitamin A có trong dầu gấc. Nếu đun nấu trong thời gian ít hơn 15 phút thì sự phân hủy β-caroten trong dầu gấc không nhiều. Tuy nhiên, khi đun sôi lâu hơn 30 phút thì hàm lượng β-caroten mất đi khoảng 35%. Điều ngạc nhiên là đun sôi trong 30 phút đến 60 phút thì hàm lượng β-caroten trong dầu gấc không bị phân hủy thêm. Như vậy để sử dụng hiệu quả nguồn β-caroten trong trái gấc thì nên sử dụng tươi hoặc đun nấu trong thời gian ngắn hơn 15 phút. N.T.Phương |
ẢNH HƯỞNG CỦA DUNG MÔI CHIẾT XUẤT VÀ PHƯƠNG PHÁP SẤY ĐẾN HÀM LƯỢNG LYCOPEN VÀ BETA CAROTEN TRONG DẦU GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.) Kubola J và cs. Food Research International, 2013, 50 : 664–669 Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của dung môi chiết xuất và phương pháp sấy đến hàm lượng lycopen và beta caroten trong dầu gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.). Các dung môi được sử dụng để chiết xuất dầu gấc từ màng hạt là cloroform: methanol (2: 1), ete dầu và n-hexan. Ba phương pháp sấy khô được nghiên cứu bao gồm: sấy không khí (HA), sấy hút ẩm (LRH) và sấy hồng ngoại (FIR). Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng dung môi chiết xuất khác nhau thì hàm lượng lycopen và beta-caroten trong sản phẩm thu được cũng khác nhau. Theo đó, sử dụng dung môi chiết xuất cloroform/methanol (2:1) cho hàm lượng lycopen và beta-caroten cao nhất lần lượt là (0,49 và 1,18 mg/g) trong dầu gấc và (0,045 và 0,009 mg/g) trong màng hạt tươi. Trong các phương pháp sấy, phương pháp HA cho hàm lượng lycopen trong dầu gấc (tính theo mẫu khô) cao nhất (0,82 mg/g), tiếp theo là FIR (0,67 mg/g) và LRH (0,56 mg/g). Điều thú vị ở đây là sau khi sấy bằng phương pháp HA, hàm lượng lycopen trong dầu gấc cao hơn trong mẫu tươi. Như vậy, các phương pháp bảo quản khác nhau có thể làm thay đổi hàm lượng hoạt chất trong cây: giảm, không thay đổi thậm chí là tăng. N.T.Phương |
TÁC DỤNG ĐIỀU HÒA MIỄN DỊCH CỦA CHẤT ỨC CHẾ CHYMOTRYPSIN TỪ HẠT GẤC Alex Yuen-Kam Tsoi và cs. Journal of Peptide Science, 2006, 12: 605-611 Các chất ức chế serine protease được phân bố rộng rãi trong thực vật. Rất nhiều chất đã được phân lập và xác định cấu trúc từ nhiều dược liệu khác nhau. Trong khi các đặc tính lý hóa của những chất này được nghiên cứu rộng rãi, các tác dụng sinh học của chúng, như tác dụng điều hòa miễn dịch chẳng hạn, lại chưa được khám phá nhiều. Gần đây, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phân lập một chất ức chế đặc hiệu chymotrypsin (ký hiệu: MCoCI) từ hạt gấc (Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng., họ Bầu bí (Cucurbitaceae)). Nhóm tác giả đã tiến hành đánh giá tác dụng của MCoCI trên các dòng tế bào khác nhau của hệ miễn dịch, bao gồm tế bào lá lách, lympho bào tại lách, bạch cầu đa nhân trung tính, tế bào tủy xương và đại thực bào. Kết quả cho thấy MCoCI có tác dụng kích thích miễn dịch và tác dụng chống viêm. Tác dụng kích thích sự biệt hóa các dòng tế bào nói trên của MCoCI tương đương với chứng dương concanavalin A. Ngoài ra, MCoCI kìm hãm sự tạo thành hydroperoxid ở bạch cầu trung tính và đại thực bào. Các tác dụng điều hòa miễn dịch này có thế giải thích phần nào về kinh nghiệm sử dụng hạt gấc trong dân gian. K.T.Quân |
THÀNH PHẦN ACID BÉO VÀ CAROTENOID TRONG QUẢ GẤC Betty K. Ishida và cs. Journal of Agricultural and Food Chemistry, 2004, 52: 274-279 Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân tích thành phần acid béo và carotenoid trong quả và hạt gấc. Hàm lượng carotenoid được phân tích bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), sử dụng cột C30 và phương pháp phân tích đồng phân cis, trans của các carotenoid chính. Kết quả cho thấy trong màng hạt gấc có chứa 1342 µg trans- 204 µg cis-, và 2227 µg lycopen tổng số; 597 µg trans-, 39 µg cis-, và 718 µg β-caroten tổng số; và 107 µg α–caroten/g. Vỏ quả giữa chứa 11 µg trans-, 5 µg cis-β-caroten/g, hàm lượng rất nhỏ α–caroten và không phát hiện thấy lycopen. Màng hạt gấc chứa 22% acid béo về khối lượng, bao gồm acid oleic (32%), palmitic (29%), linoleic (28%). Hạt chứa acid stearic (60.5%), linoleic (20%), oleic (9%), và palmitic (6%), một số khác ở dạng vết như acid arachidonic, cis-vacenic, linolenic, và palmitoleic, eicosa-11-enoic, và eicosa-13-enoic. K.T.Quân |
PHÂN LẬP VÀ NGHIÊN CỨU ĐẶC TÍNH CỦA CÁC PEPTID TỪ HẠT CÂY GẤC Lai Y. Chan và cs. J. Nat. Prod., 2009, 72 : 1453–1458 Cây gấc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc để điều trị một số bệnh. Nhiều phân tử có hoạt tính sinh học đã được phân lập từ cây này, bao gồm các peptid. Dưới đây, chúng tôi báo cáo sự phân lập và đặc tính của hai peptid, MCoCC-1 và MCoCC-2, có chứa 33 và 32 acid amin, là những chất gây độc đối với ba dòng tế bào ung thư. Hai peptid tương đồng với nhau, nhưng khác các peptid khác. Làm sáng tỏ cấu trúc ba chiều của MCoCC-1 cho thấy sự hiện diện của một cystine knot motif, cấu trúc này cũng được tìm thấy trong các peptid khác có tác dụng ức chế trypsin từ cây gấc. Tuy nhiên, không giống như cấu trúc của các peptid trên, MCoCC-1 không ức chế trypsin. MCoCC-1 có cấu trúc rõ ràng, đặc trưng chủ yếu bởi một mạch xoắn ba vòng đối song β-sheet. MCoCC-1 chứa một vòng lặp biến dạng. Đối với các dòng tế bào thử nghiệm, MCoCC-1 có độc tính mạnh nhất chống lại dòng tế bào melanoma (MM96L) và không gây tan huyết hồng cầu người. Vai trò của những peptid này trong cây gấc cần được nghiên cứu xác định thêm. N.Q.Tuấn |
QỦA GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG.): MỘT NGUỒN GIÀU CÁC HỢP CHẤT HOẠT TÍNH SINH HỌC VÀ CÓ LỢI CHO SỨC KHỎE Hoang V. Chuyen và cs. International Journal of Food Science and Technology, 2015, 50: 567–577 Gấc (Momordica cochinchinensis Spreng.) là một cây leo nhiệt đới có nguồn gốc từ các nước phía Nam và Đông Nam Á. Quả gấc thường được sử dụng ở châu Á để cung cấp màu đỏ cho các món ăn và tăng cường tốt cho thị giác. Gần đây, quả gấc đã nổi lên như một nguồn tiềm năng của carotenoid, đặc biệt là lycopen và β-caroten. Carotenoid và các chất có hoạt tính sinh học khác đã được xác định từ trái cây này bao gồm phenolic, flavonoid và các chất ức chế trypsin, những hợp chất này đã được chứng minh có nhiều hoạt tính sinh học có lợi như chống oxy hóa, chống ung thư và tiền vitamin A. Ngoài cách sử dụng truyền thống, các sản phẩm thương mại như bột gấc và dầu gấc đã được sản xuất làm chất nhuộm màu tự nhiên và thực phẩm chức năng. Bài viết này tổng quan tài liệu khoa học về thành phần dinh dưỡng, hoạt tính sinh học và phương pháp chế biến quả gấc. N.Q.Tuấn |
CAO CHIẾT TỪ HẠT GẤC (COCHINCHINA MOMORDICA) KÍCH HOẠT CHU TRÌNH CHẾT THEO CHƯƠNG TRÌNH VÀ TÓM BẮT TẾ BÀO ĐỐI VỚI TẾ BÀO UNG THƯ DẠ DÀY THÔNG QUA CÁC CON ĐƯỜNG TÍN HIỆU P53 VÀ PARP Liu HR. và cs. Nuitrition and Cancer, 2012, 64(7): 1070-1077 Hạt phơi khô từ quả chín của cây gấc, Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng, là một loại dược liệu được sử dụng trong Y học cổ truyền. Trong nghiên cứu này, cao chiết xuất từ hạt gấc (ECMS) được khám phá ra hoạt tính chống ung thư trên các dòng tế bào ung thư dạ dày ở người (SGC7901 và MKN-28). Theo đó, ECMS ức chế đáng kể tỷ lệ sống sót của các tế bào này theo thời gian và nồng độ thử trong thí nghiệm độc tính MTT. Những thay đổi điển hình về hình thái tự hoại cũng đã được quan sát bằng thí nghiệm với chất nhuộm màu Hoechst 33258 sau khi các tế bào được ủ trước 48 giờ với ECMS. Thí nghiệm phân tích đếm tế bào theo dòng chảy cho thấy ECMS làm kết tụ các tế bào ở giai đoạn S của chu kỳ tế bào. Ngoài ra, mức độ biểu hiện protein của poly (ADP-ribose) polymerase (PARP) và Bcl-2 bị suy giảm, trong khi biểu hiện của các protein Fas, p53, và Bax tăng lên đáng kể trong tế bào SGC7901. ECMS cũng gây kích hoạt mạnh hoạt động của các enzym tự hoại caspase-3, caspase-8 và caspase-9. Những kết quả nghiên cứu này đã chứng minh rằng cao chiết từ hạt gấc gây độc mạnh đối với các tế bào ung thư dạ dày ở người thông qua các con đường tín hiệu PARP và p53. Đ.T.Tuấn |
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM KEM CHỐNG NHĂN TỪ DẦU ÁO HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS) BẰNG CÁCH SỬ DỤNG HẠT MANG LIPID CẤU TRÚC NANO Natakankitkul S. và cs. Inter Fed Soc Cos Chem, 2012, 15(1): 3-6 Lớp áo hạt của quả gấc chín (Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng.) chứa các carotenoid tự nhiên phong phú, đặc biệt là beta-caroten và lycopen, là nguyên liệu quan trọng cho phát triển các sản phẩm mỹ phẩm chống lão hóa. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến và bảo quản các carotenoid này dễ bị đồng phân hóa và oxy hóa. Nghiên cứu này được tiến hành để tìm ra hạt mang chứa dầu áo hạt gấc, đảm bảo sự ổn định của nó trong sản phẩm kem mỹ phẩm. Theo đó các hạt mang lipid cấu trúc nano chứa dầu áo hạt gấc đã được tạo ra bằng cách thay đổi việc đồng nhất áp suất cao và kích thước hạt, phân phối hạt và hiệu ứng điện thế zeta sau 90 ngày với ba mức nhiệt độ lưu trữ khác nhau. Dầu gấc được đóng gói trong các hạt mang nano ở nồng độ khác nhau và các công thức hạt mang này được kiểm tra sự ổn định. Hàm lượng beta-caroten trong kem chứa hạt mang lipid và ở các công thức khác được phân tích bằng phương pháp HPLC. Tiếp đó phản ứng kích ứng da của sản phẩm được đánh giá bằng phương pháp Visual Scoring, trong khi tác dụng giảm nhăn được xác định qua phân tích mức độ thô ráp (Ra và Rz), trạng thái căng bề mặt và các tham số hàm lượng. Kết quả cho thấy các công thức kem chứa 1% dầu áo hạt gấc trong cấu trúc nano lipid là ổn định hơn các công thức kem khác. Với tất cả các công thức chất mang đều không có phản ứng kích ứng da xảy ra trên những người tình nguyện bình thường. Ngoài ra, mẫu kem dầu gấc chứa hạt mang nano lipid thể hiện sự gia tăng đáng kể tác dụng làm giảm nếp nhăn so với các công thức kem khác. Đ.T.Tuấn |
TÁC DỤNG KHÁNG KHUẨN CỦA DỊCH CHIẾT N-HEXAN VÀ DICLOROMETHAN TỪ LÁ CẤY GÂC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS (LOUR.) SPRENG.) Nantachit K. và cs. Thai Pharm Health Sci J, 2009, 4(1): 15-20 Mục tiêu: Xác định hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết n-hexan và dicloromethan lá cây gấc (Momordica cochinchinensis) thu hái tại Chiang Mai, Thái Lan năm 2006. Phương pháp: Hoạt tính kháng khuẩn của cắn chiết n-hexan, dicloromethan và methanol của lá cây gấc được xác định bằng 2 phương pháp là phương pháp khuếch tán qua giếng thạch và phương pháp pha loãng giếng thạch . Kết quả: Từ cắn chiết n-hexan của lá cây gấc (Momordica cochinchinensis), nhóm nghiên cứu đã phân lập được một hợp chất triterpenoid. Cắn chiết n-hexan và dicloromethan cho thấy khả năng ức chế 10 loại vi khuẩn và 3 loại nấm gây bệnh. Hợp chất tinh khiết phân lập được có khả năng ức chế 2 loài nấm là Candida albicans và Trigrophyton mentagrophytes. Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy cắn chiết n-hexan và dicloromethan của lá cây gấc có khả năng ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn. Do đó, đây là đối tượng tiềm năng để làm thuốc kháng sinh tự nhiên. V.V.Tuấn |
THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA QUẢ GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS(LOUR.) SPRENG.) Sai koteswar Sarma D và cs. J. Chem. Pharm. Res., 2011, 3(4): 875-881 Kết quả đánh giá sơ bộ thành phần hóa học dịch chiết methanol của quả gấc cho thấy, quả gấc có chứa glycosid, flavonoid, carbohydrat và phytosterol. Hoạt tính kháng khuẩn của loài này được đánh giá bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch. Kết quả chỉ ra rằng dịch chiết methanol thể hiện khả năng kháng khuẩn mạnh ở nồng độ 100-500 µg/ml. Đặc biệt hoạt tính kháng khuẩn với hai chủng vi khuẩn Gram (+) (Staphalococus aureus) và vi khuẩn Gram (-) (Esherichia coli) của dịch chiết methanol tốt hơn dịch chiết nước khi so sánh với Ampicillin. Khảo nghiệm đánh giá khả năng chống oxy hóa bằng phương pháp DPPH cho thấy, cao chiết methanol quả gấc có hoạt tính mạnh hơn so với so với chất đối chứng là acid ascorbic. V.V.Tuấn |
NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÂY GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS SPRENG). II. PHÂN LẬP SAPONIN MOMORDINS I, II, III TỪ RỄ CỦA LOÀI NÀY Iwamoto M và cs. Chem. Pharm. Bull., 1985, 33(1): 1-7 Từ rễ của cây gấc (Momordica cochinchinensis) thu hái tại Nhật Bản, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 3 saponin. Bằng các phương pháp phổ đã xác định các hợp chất này là acid oleanolic 3-O-α-L-arabinopyranosyl (1→3)-β-D-glucuronopyranosid (Momordin I), 28-O-β-D-glucopyranosid của Momordin I (Momordin II), 3β-hydroxy-11α,12α-epoxy-olean-28,13-olid 3-O-α-L-arabinopyranosyl (1→3)-β-D-glucuronopyranosid (Momordin III). Cấu trúc của hợp chất Momordin II giống với hợp chất Hemslosid Ma1 phân lập được từ rễ củ của hai loài Hemsleya macrosperma và Hemsleya chinensis V.V.Tuấn |
XÁC ĐỊNH THÀNH PHẦN ACID BÉO VÀ CAROTENOID TRONG MÀNG VÀ HẠT GẤC Vũ Văn Tuấn và cs. Tạp chí Dược liệu, 2015, 20(1): 25-33 Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành phân tích các acid béo có trong hạt gấc, hai thành phần đặc trưng β-caroten và lycopen trong màng hạt gấc thu mua ở các tỉnh miền bắc Việt Nam. Thành phần carotenoid được xác định bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). Hàm lượng β-caroten trong các mẫu màng hạt gấc tươi thu mua ở một số tỉnh miền bắc Việt Nam nằm trong khoảng từ 0,188 mg/g đến 0,415 mg/g, hàm lượng lycopen nằm trong khoảng từ 2,369 mg/g đến 8,324 mg/g. Kết quả phân tích chỉ ra rằng hàm lượng β-caroten và lycopen trong các mẫu màng hạt gấc đã sấy khô thấp hơn đáng kể so với mẫu tươi. Ngoài ra, hàm lượng dầu béo trong các mẫu hạt gấc cũng được báo cáo trong nghiên cứu này. Phân tích thành phần các acid béo bằng phương pháp sắc ký khí khối phổ cho thấy hạt gấc có chứa 12 acid béo, trong đó có 6 acid béo không no. Ba acid bao gồm acid oleic, acid linoleic, acid α-linoleic có hàm lượng cao nhất (% diện tích pic). V.V.Tuấn |
TẠO VI NANG DẦU GẤC BẰNG SẤY PHUN: TỐI ƯU HÓA NỒNG ĐỘ CHẤT NỀN VÀ HỆ SỐ TẢI DẦU BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁP ỨNG BỀ MẶT Tuyen C. Kha và cộng sự Drying Technology: An International Journal Volume 32, Issue 4, 2014 Mục tiêu của nghiên cứu này là tối ưu hóa nồng độ chất nền và hệ số tải dầu của vi nang dầu gấc bằng phương pháp sấy phun và đáp ứng bề mặt. Kết quả cho thấy các mô hình đa thức bậc hai mô tả và dự đoán được hiệu quả bao gói các thành phần của dầu: β-caroten, lycopen, giá trị peroxid (PV), độ ẩm (MC) và tổng số màu chênh lệch (ΔE) với giá trị R2 lần lượt là 0.96, 0.95, 0.86, 0.89, 0.88 và 0.87. Trong điều kiện tối ưu (nồng độ chất nền là 29,5% và hệ số tải dầu là 0.2), các hiệu suất gói dầu β-caroten, lycopen, PV, MC và ΔE đã dự đoán và xác nhận lần lượt là 92%, 80%, 74%, 3,91 meq / kg, 4,14% và 12,38. Các tính chất vật lý của bột vi nang dầu theo các công thức khác nhau cũng đã được xác định. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã kết luận với cốt protein-polysaccharid dùng như các vật liệu nền có hiệu quả cho sấy phun vi nang dầu gấc. P.T.Phượng |
DỊCH CHIẾT HẠT GẤC (MOMORDICA COCHINCHINENSIS) ỨC CHẾ SỰ DI CĂN VÀ XÂM LẤN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ VÚ ZR-75-30 Ở NGƯỜI THÔNG QUA LÀM GIẢM TÁC DỤNG CỦA MMP-2 VÀ MMP-9 Lei Zheng và cs. Asian Pac J Cancer Prev, 2014, 15 (3), 1105-1110 Ung thư vú là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ trên toàn thế giới. Hơn 90% bệnh nhân ung thư tử vong là do di căn. Di căn và xâm lấn là nguyên nhân chính làm liệu pháp điều trị oncogen thất bại. Từ lâu, cây gấc đã được sử dụng trong Y học Trung Quốc với nhiều tác dụng. Năm 2014, lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng chống ung thư của hạt Gấc (Momordica cochinchinensis) trên tế bào ung thư vú người ZR-75-30. Dịch chiết nước hạt Gấc được thử ảnh hưởng đến tuổi thọ của tế bào ung thư bằng khảo nghiệm MTT; đánh giá sự di căn và xâm lấn dựa trên khả năng chữa lành vết thương và thử nghiệm xâm lấn; ức chế tác dụng của 2 enzym protease là MMP-2 và MMP-9 trên phân tích Western blotting và gelatin zymography tương ứng. Kết quả cho thấy dịch chiết hạt gấc có tác dụng: ức chế mạnh sự tăng trưởng, sự xâm lấn di căn của tế bào ZR 75-30, hiệu quả này phụ thuộc vào liều dùng. Phân tích Western blotting và gelatin zymography chỉ ra dịch chiết hạt Gấc ức chế sự biểu hiện của enzym MMP-2 và MMP-9 trên tế bào ZR-75-30. Như vậy, đã có bằng chứng chứng minh dịch chiết hạt Gấc có khả năng ngăn chặn sự di căn và xâm lấn của tế bào ung thư vú người ZR-75-30 và chỉ ra khả năng phát triển các thuốc ức chế di căn của dòng tế bào ung thư vú là hướng đáng được quan tâm và Gấc là ứng cử viên sáng giá phát triển theo hướng nghiên cứu này. P.T.Phượng |
LÀM GIÀU CAROTENOID TRONG DẦU GẤC BẰNG CÔNG NGHỆ LỌC DÒNG CHẢY NGANG QUA Mai HC và cs. Journao of Food Science, 2014 Nov, 79(11): E2222-31 Quả gấc (Momordica chochinchinensis Spreng.) là loại quả phổ biến, được dùng từ lâu ở Việt Nam và các nước Đông Á. Dầu gấc chứa hàm lượng cao các carotenoid, đặc biệt là lycopen và β-caroten. Hàm lượng carotenoid trong dầu gấc được làm giàu lên khi sử dụng công nghệ lọc cross-flow (dịch lọc sẽ đẩy ngang qua màng lọc, dịch trong sẽ thấm qua màng lọc, sơ đồ như hình dưới.)
Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lọc là kích thước lỗ màng, nhiệt độ, áp suất xuyên màng trên dòng thấm và hệ số lưu giữ, độ bền màng, nồng độ chất phân cực và độ bám bẩn. Điều kiện tối ưu để đạt được dòng thấm qua lớn nhất và hàm lượng carotenoid cao là kích thước lỗ lọc 5nm, áp suất 2 bar và nhiệt độ 400C. Phần dịch chảy qua- rententate (không thấm qua màng) được xác định các thông số: chỉ số acid, phospholipid, tổng carotenoid, hoạt tính chống oxy hóa, tổng chất hòa tan, tổng chất rắn không tan, màu sắc, độ nhớt. Hàm lượng carotenoid ở dầu chảy qua cao gấp 8,6 lần ở dầu đầu vào. Hoạt tính chống oxy hóa của các chất thân dầu tăng 6,8 lần, trong khi hoạt tính chống oxy hóa của các chất thân nước giảm 40%. Các yếu tố chính gây ra sức cản dòng chảy trong công nghệ lọc này là do các chất phân cực (55%) sự bám bẩn trên màng (30%) và bản chất màng 24%). Đ.A.Hoàng |
CÁC DẪN CHẤT OXY HÓA CỦA LYCOPEN VÀ γ-CAROTEN TRONG GẤC (Momordica chochinchinensis) Maoka T và cs. Journal of Argricultural Food Chemistry, 2015 Feb 11; 63(5):1622-30 Ba chất chuyển hóa oxy hóa của lycopen là: (erythro)-lycopen-5,6-diol, (threo)-lycopen-5,6-diol, và 1,16-dehydro-2,6-cyclolycopen-5-ol B; 4 chất chuyển hóa oxy hóa của γ-caroten là: 2',6'-cyclo-γ-caroten-1',5'-diol A, 2',6'-cyclo-γ-caroten-1',5'-diol B, (erythro)-γ-caroten-5,6-diol, và (threo)-γ-caroten-5,6-diol. Đây là các chất phụ được tách từ lớp áo hạt gấc. Cấu trúc của chúng được xác định dựa trên cơ sở dữ liệu phổ, một số cấu trúc được so sánh với trúc của các chất tổng hợp. Ngoài ra, nghiên cứu còn thảo luận về con đường chuyển hóa oxy hóa lycopen và γ-caroten. Đ.A.Hoàng |
HẠT GẤC ỨC CHẾ SỰ TĂNG SINH VÀ DI CĂN CỦA TẾ BÀO UNG THƯ PHỔI Ở NGƯỜI BẰNG CÁCH ĐIỀU BIẾN NHIỀU ĐÍCH PHÂN TỬ Shen Y và cs. American Journal of Chinese medicine, 2015, 43(1):149-166 Hạt gấc (hạt của quả gấc chín, phơi khô) được sử dụng như là vị thuốc có tác dụng chống thư ở Trung Quốc. Nghiên cứu của Shen Y và cộng sự nhằm tìm ra vai trò của dịch chiết cồn của hạt gấc (ECMS) đến sự tăng sinh và di căn của ung thư phổi ở người, và tìm hiểu về cơ chế phân tử của nó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ECMS làm giảm tỷ lệ sống của tế bào A549 và H1299 phụ thuộc liều, và ức chế sự di căn và xâm lấn của tế bào A549. ECMS tác động đến quá trình chết theo chương trình bằng cách làm tăng p53, Bax và làm giảm Bcl-2, con đường tín hiệu PI-3K/Akt, từ đó dẫn đến làm mất điện thế màng ty thể và kết quả là kích hoạt dòng tín hiệu caspase-3. Xử lý trước bằng các chất ức chế đặc hiệu như LY294002 (chất ức chế PI-3K) và BAY11-7082 (chất ức chế NF- κB ) có thể làm tăng khả năng ức chế tăng sinh tế bào ung thư của ECMS trên dòng tế bào A549. ECMS có thể làm tăng nồng độ của E-cadherin, giảm nồng độ của STAT-3, MMP-2, và được cho là có thể ảnh hưởng đến biểu hiện của VEGF, dẫn tới ức chế dự di chuyển và xâm lấn của tế bào ung thư. Xử lý trước bằng các chất ức chế đặc hiệu như WP1066 (chất ức chế STAT-3) và TIMP-2 (chất ức chế MMP-2) có thể làm tăng khả năng ức chế sự di chuyển của tế bào ung thư. Nghiên cứu này chứng tỏ rằng ECMS có thể ức chế tăng sinh tế bào A549 bằng cách tác động đến quá trình chết theo chương trình của tế bào theo 2 con đường: kích hoạt p53 và bất hoạt con đường tín hiếu PI-3K/Akt. Thông qua con đường STAT-3 và MMP-2 có thể nghĩ đến tác dụng chống di căn của ECMS.Vì vậy, ECMS là đối tượng đầy hứa hẹn cho điều trị ung thư phối tế bào lớn theo cơ chế đa đích phân tử. Đ.A.Hoàng |
Nguồn: Viện Dược liệu
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: