Ngày 19/5/2016, Bộ Y Tế đã có quyết định số 1931/QĐ-BYT ban hành "Hướng dẫn tẩy sán lá gan nhỏ tại cộng đồng". Đây là văn bản hướng dẫn cụ thể nêu rõ các đối tượng được tẩy sán lá gan nhỏ, tần suất tẩy sán lá gan nhỏ, cách sử dụng thuốc, cách xử lý tình huống và một số biện pháp phòng bệnh. Một số thông tin liên quan được bổ sung kèm theo bản hướng dẫn bao gồm:
- Bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchiasis/Opisthorchiasis) ở Việt Nam do loài sán Clonorchis sinensishoặc Opisthorchis viverrini ký sinh ở đường mật trong gan gây nên.
- Triệu chứng lâm sàng của bệnh sán lá gan nhỏ: Đau tức vùng gan, kém ăn, thường có rối loạn tiêu hóa, ậm ạch khó tiêu, đôi khi có sạm da, vàng da. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu gan to hay xơ gan tuỳ mức độ và thời gian mắc bệnh.
- Tác hại của sán lá gan nhỏ: gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, gây kích thích và viêm đường mật, áp xe đường mật, xơ hóa lan tỏa ở khoảng cửa, tổ chức gan tăng sinh, thoái hóa mỡ gan, gan to, áp xe gan, có thể có cổ trướng. Sán lá gan nhỏ gây sỏi mật, đặc biệt có thể gây ung thư đường mật cholangiocarcinoma.
- Theo điều tra của Viện sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Qui Nhơn có ít nhất 32 tỉnh có bệnh sán lá gan nhỏ (Clonorchis hoặc Opisthorchis) lưu hành, trong đó lưu hành nặng nhất ở Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Bình Định. Trong các tỉnh này cũng có huyện lưu hành nặng như huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định), huyện Kim Sơn, Yên Khánh (Ninh Bình) huyện Ba Vì (Hà Tây), huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), huyện Tuy An (Phú Yên), huyện Phù Mỹ (Bình Định). Có nhiều xã tại các huyện này có tỷ lệ nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ lên tới trên 30% dân số. Do tập quán ăn gỏi tỉ lệ nhiễm sán lá gan tăng dần theo tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm tuổi 30-50 (50,2-51,6%). Tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ ở nam giới cao gấp 3 lần nữ giới.
Xin gửi kèm toàn văn bản quyết định và hướng dẫn kèm theo để các đồng nghiệp tham khảo.
» Danh sách Tập tin đính kèm:
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: